1. Khái niệm quyền tiếp cận công lý và vai trò của trợ giúp pháp lý trong việc đảm bảo quyền tiếp cận công lý
Quyền tiếp cận công lý là một khái niệm có nhiều cách hiểu và tiếp cận khác nhau. Hiện nay, quyền tiếp cận công lý thường được hiểu theo hai quan điểm. Quan điểm thứ nhất, quyền tiếp cận công lý là quyền được xét xử công bằng. Theo đó, quyền tiếp cận công lý được gắn với hoạt động xét xử của Tòa án và và đảm bảo công bằng giữa các chủ thể trong vụ án, ví dụ quyền được bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý, quyền được kháng cáo. Thứ hai, quyền tiếp cận công lý là quyền tìm kiếm sự đền bù hoặc sự khắc phục một cách hợp lý cho những bất công hay thiệt hại mà một chủ chể, đặc biệt là chủ thể thuộc những nhóm xã hội dễ bị tổn thương (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em…) phải gánh chịu do những chủ thể khác gây ra. Quan điểm thứ hai, hiện đang được sử dụng rộng rãi bởi nhiều tổ chức quốc tế, đặc biệt là UNDP. Cụ thể, trong tập 1 Báo cáo của Ủy ban về đảm bảo pháp lý cho người nghèo, UNDP nhận xét rằng: “Điều tối quan trọng là phải cải cách thể chế công và dỡ bỏ các rào cản pháp lý, hành chính vẫn đang ngăn trở người nghèo dành lấy quyền lợi của họ”. Nền tảng của tiếp cận công lý là gồm ba khía cạnh: (1) Sự bảo vệ pháp lý; (2) Khuôn khổ thể chế; (3) Khả năng đòi hỏi và theo đuổi vụ việc của quần chúng. Về nền tảng thứ ba, có hai yếu tố cơ bản liên quan đến vấn đề này, đó là (i) sự hiểu biết pháp luật của quần chúng và (ii) sự sẵn có cùng tính hiệu quả của hệ thống trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp lý.
Hệ thống trợ giúp pháp lý có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm tiếp cận công lý. Hệ thống này có vai trò kép, đó là hỗ trợ quần chúng hiểu biết về pháp luật và giúp đỡ quần chúng trong việc theo đuổi các vụ việc ở các hệ thống tư pháp để tìm kiến sự đền bù/khắc phục khi các quyền và lợi ích hơp pháp bị vi phạm. Trợ giúp pháp lý cung cấp những dịch vụ pháp lý miễn phí để giúp quần chúng theo đuổi các quyết định và lựa chọn nhằm đạt được giải pháp cuối cùng cho vấn đề.
Tại Việt Nam, trợ giúp pháp lý đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm từ khi nước ta chính thức tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước (năm 1986). Việt Nam đã thông qua Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo (Chiến lược xóa đói giảm nghèo), trong đó có chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách. Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương “thực hiện tốt dân chủ XHCN, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân”, “vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh[1] . Để góp phần thực hiện các mục tiêu trên, Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo “cần phải mở rộng loại hình tư vấn pháp luật phổ thông, đáp ứng nhu cầu rộng rãi, đa dạng của các tầng lớp nhân dân... cần nghiên cứu lập hệ thống dịch vụ tư vấn pháp luật không lấy tiền để hướng dẫn nhân dân sống và làm việc theo pháp luật[2]. Thực hiện các quan điểm nêu trên, ngày 06/9/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 734/TTg về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách. Như vậy, thuật ngữ “trợ giúp pháp lý” được chính thức sử dụng trong hệ thống văn bản pháp luật.
Ngày 29/6/2006, Quốc hội thông qua Luật Trợ giúp pháp lý, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2007. Điều 3 Luật Trợ giúp pháp lý nêu khái niệm trợ giúp pháp lý: “Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật”. Ngày 20/6/2017, Quốc hội thông qua Luật Trợ giúp pháp lý thay thế Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Theo đó, định nghĩa trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Khái niệm trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã thể hiện những thuộc tính chung, bản chất và cả mục đích, ý nghĩa của hoạt động trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.
Như vậy có thể nêu một số ý nghĩa của trợ giúp pháp lý trong mối quan hệ tiếp cận công lý, tiếp cận pháp luật như sau:
Một là, trợ giúp pháp lý bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước và xã hội cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý nhằm giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Thông qua việc tư vấn pháp luật giúp họ có kiến thức pháp luật để tự mình thực hiện các quyền, nghĩa vụ được pháp luật quy định hoặc thông qua việc cử người tham gia tố tụng thay họ sử dụng pháp luật để thực hiện bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Hai là, trợ giúp pháp lý thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, trách nhiệm của xã hội đối với các thành viên trong cộng đồng, nhất là nhóm các đối tượng không có khả năng tự mình thực hiện hoặc không có điều kiện tiếp cận với pháp luật. Riêng tại Việt Nam, trợ giúp pháp lý còn thể hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa của Nhà nước đối với người có công với nhà nước.
Như một tất yếu khách quan của kinh tế thị trường, sự phân hoá giàu nghèo đã dẫn đến sự bất bình đẳng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội: kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế và trong đó có cả việc tiếp cận với pháp luật. Người nghèo và những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt thường không có điều kiện để đến với các dịch vụ pháp lý có thu phí. Với tư cách là công cụ duy trì trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng, đại diện cho toàn thể dân cư trong lãnh thổ quốc gia, Nhà nước phải có trách nhiệm giúp đỡ, tạo lập những cơ chế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng đó. Đây là cơ sở cho sự ra đời của tổ chức trợ giúp pháp lý.
 Chính sách trợ giúp pháp lý là một loại trợ giúp tư pháp được đại đa số các nước trên thế giới áp dụng. Nó là kết quả tất yếu của sự phát triển trong xã hội, là công cụ để Nhà nước thực hiện nghĩa vụ đối với công dân của mình. Hệ thống pháp luật ngày càng nhiều và mức độ phức tạp ngày càng tăng, nhiều người được đào tạo về pháp luật cũng không hiểu hết các quy định của pháp luật và khi có vướng mắc pháp luật hay phải đứng trước toà án cũng không chắc chắn có thể bảo vệ thành công quyền lợi của mình.  Vì vậy, một công dân không có kiến thức pháp luật và không có kỹ năng thì khó có thể bảo vệ được quyền lợi của mình trước tòa án. Do đó, Nhà nước phải có cơ chế bảo đảm để tất cả mọi người không phân biệt điều kiện kinh tế, khả năng tài chính đều có thể tiếp cận các dịch vụ pháp lý nhằm bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích của họ, nhất là khi họ đang là bị can, bị cáo hoặc đương sự trong tố tụng.
2. Tăng cường tiếp cận trợ giúp pháp lý
Theo UNDP, những biện pháp sau là hữu ích để tăng cường hệ thống tư vấn và trợ giúp pháp lý: (i) Xây dựng một chiến lược tư vấn và trợ giúp pháp lý dựa trên nghiên cứu về vấn đề này trong xã hội, trong đó đặc biệt chú ý đến nhu cầu của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương; (ii) Phát triển các phương pháp mới trong giải quyết tranh chấp; (iii) Tận dụng các cơ chế bán chuyên nghiệp cũng như các hệ thống hiện có ở cơ sở để mở rộng khả năng tiếp cận với dịch vụ pháp lý một cách bình đẳng cho quần chúng; (iv) Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ sở trợ giúp pháp lý nhà nước và phi nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho quần chúng; (v) Bảo đảm tính bền vững của các chương trình trợ giúp pháp lý bằng cách mở rộng phạm vi chủ thể cung cấp dịch vụ này tới các đoàn luật sư, hội luật gia, các văn phòng, công ty luật tư nhân, các trường luật cũng như các tổ chức xã hội khác. [3]
Tại Việt Nam, trong những năm qua, Đảng, Chính phủ và Nhà nước luôn quan tâm và có các chính sách bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người dân. Không chỉ Luật Trợ giúp pháp lý, mà Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam (2015) đều ghi nhận quyền trợ giúp pháp lý và các cơ chế đảm bảo quyền trợ giúp pháp lý cho người dân. Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 có đề ra nhiệm vụ: “Hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống trợ giúp pháp lý; nâng cao vai trò, năng lực, tính chuyên nghiệp và chất lượng hệ thống trợ giúp pháp lý để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật; tăng cường công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, trong hoạt động của chính quyền cơ sở”.  Các văn bản này khẳng định vị trí, vai trò của công tác trợ giúp pháp lý trong đời sống xã hội, là một công cụ quan trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp 2013.
Trong những năm qua, Bộ Tư pháp và các địa phương đã có nhiều biện pháp để tăng cường tiếp cận trợ giúp pháp lý đến với người dân. Cụ thể:
Chính sách, thể chế: trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, Luật Trợ giúp pháp lý 2017 đã mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý. So với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 chỉ quy định 06 diện người được trợ giúp pháp lý thì trong bối cảnh kinh tế - xã hội mới của đất nước, tại Điều 7 của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã mở rộng với 14 diện người được trợ giúp pháp lý, thậm chí có diện người kế thừa từ Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 cũng được phát triển hơn. Tiếp đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận trợ giúp pháp lý, liên ngành Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, đặc biệt trong đó quy định về vấn đề giải thích, thông tin và chuyển gửi nhu cầu về trợ giúp pháp lý. Để thích ứng với tình hình đại dịch Covid-19, Bộ Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư liên tịch số 05/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 quy định phối hợp trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến để tạo điều kiện thuận lợi cho người được trợ giúp pháp lý tiếp cận công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.  Tiếp theo, nhằm tăng cường công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý cho diện người được trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp ký kết Chương trình phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao về việc người thực hiện TGPL trực tại Tòa án (Chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TANDTC ngày 19/5/2022). Luật Trợ giúp pháp lý, các Luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện để người dân tiếp cận trợ giúp pháp lý được thuận lợi hơn.
Tiếp cận bằng biện pháp truyền thông: công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý được chú trọng. Nhiều phóng sự, chương trình về trợ giúp pháp lý, các vụ việc trợ giúp pháp lý được phát sóng trên Đài truyền hình và Đài tiếng nói Việt Nam.  Công tác truyền thông trợ giúp pháp lý đến với người dân của các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã có nhiều hoạt động theo nhiều phương thức khác nhau. Đa số các Trung tâm phối hợp với các cơ quan đoàn thể (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân,...) để giới thiệu thông tin về trợ giúp pháp lý cho thành viên, hội viên của các tổ chức hoặc phối hợp với các Báo để đăng tải các câu chuyện pháp luật trợ giúp pháp lý, hoạt động trợ giúp pháp lý, giải đáp các vướng mắc về pháp luật mà người dân thường gặp. Một số địa phương xây dựng chuyên mục câu chuyện trợ giúp pháp lý trên báo địa phương. Một số Trung tâm xây dựng Trang thông tin điện tử riêng về trợ giúp pháp lý (Bình Định, Hải Phòng...). Một số Trung tâm thực hiện truyền thông theo chuyên đề trợ giúp pháp lý cho các đối tượng đặc thù như người khuyết tật (Đồng Nai, Tuyên Quang), trẻ em; xây dựng chuyên mục “bạn và trợ giúp pháp lý ” trên đài phát thanh cấp huyện, phát thanh trên hệ thống truyền thanh công cộng xã, phường (Đồng Nai), thực hiện truyền thông về trợ giúp pháp lý trong trường dân tộc nội trú (Tuyên Quang).
Tiếp cận trực tiếp người dân qua các vụ việc trợ giúp pháp lý: các địa phương đã tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm của công tác TGPL là thực hiện vụ việc TGPL, nhất là vụ việc tham gia tố tụng. Từ ngày 01/01/2018 đến ngày 30/6/2022, đã thực hiện được 146.148 vụ việc TGPL cho người được TGPL, trong đó, có 77.707 vụ việc tư vấn pháp luật, 67.107 vụ việc tham gia tố tụng, 1.334 vụ việc đại diện ngoài tố tụng. Số lượng vụ việc tham gia tố tụng kết thúc tăng hàng năm. Thông qua các vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã bảo vệ được quyền lợi hợp pháp giúp cho người được trợ giúp pháp lý, giúp họ và thân nhân của họ và cộng đồng hiểu và có ý thức tôn trọng pháp luật hơn, qua đó góp phần vào việc ổn định an ninh chính trị, đấu tranh phòng, chống tội phạm ở địa phương.
         Có thể khẳng đinh, người dân và các cơ quan, tổ chức đã nhận thức được tốt hơn vai trò của trợ giúp pháp lý trong đời sống xã hội. Đặc biệt, nhiều Trợ giúp viên pháp lý và luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý đã kịp thời bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, bảo đảm công lý, mang lại niềm tin vào tổ chức trợ giúp pháp lý nhà nước cũng như đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý. Từ đó kịp thời giúp nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội và người thân của họ cũng như cộng đồng và xã hội hiểu biết hơn, tin tưởng hơn vào chính sách, các quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Để tăng cường tiếp cận trợ giúp pháp lý cho người dân trong thời gian tới, cần tập trung những giải pháp sau:
       Thứ nhất, tăng cường truyền thông trợ giúp pháp lý bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú bảo đảm hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn để nhiều người dân biết và kịp thời tiếp cận trợ giúp pháp lý khi có tranh chấp, vướng mắc pháp luật. Khai thác hiệu quả Cổng/Trang thông tin điện tử phục vụ cho công tác truyền thông trợ giúp pháp lý. Cung cấp địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng, email tiếp nhận, giải đáp thắc mắc, kiến nghị của người dân liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân, nhất là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý để họ biết và liên hệ khi có tranh chấp, vướng mắc pháp luật.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức có liên quan, đặc biệt là cơ quan tiến hành tố tụng khi phát hiện đối tượng là người được trợ giúp pháp lý thì giới thiệu đến các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp để được trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý. Đặc biệt cần làm tốt việc giải thích quyền được trợ giúp pháp lý của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Với việc giải thích quyền được trợ giúp pháp lý, thông báo, chỉ định thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ khắc phục tình trạng bỏ sót nhu cầu trợ giúp pháp lý của người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, nhất là với người sống ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí pháp lý hạn chế chưa thể nhận biết, tiếp cận với thông tin, hoạt động trợ giúp pháp lý.
Thứ ba, cần tăng cường số lượng và năng lực của người thực hiện trợ giúp pháp lý. Tỷ lệ có người bào chữa/người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ án tại Tòa còn thấp. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng số Luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam là 17.317 Luật sư[4] trên gần 100 triệu dân. Trong 3 năm (2011-2013), số vụ có Luật sư tham gia bào chữa là chiếm 13,79 % số vụ đã xét xử[5]. Về người thực hiện trợ giúp pháp lý, tính đến hết năm 2022, đã có 688 Trợ giúp viên pháp lý, 1.071 người thực hiện trợ giúp pháp lý khác (luật sư, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên trợ giúp pháp lý). Hiện chưa có số liệu về tỷ lệ vụ việc được Tòa án thụ lý có người thuộc diện được trợ giúp pháp lý được các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử người bào chữa, bảo vệ. Nhưng có thể nói còn nhiều vụ tố tụng chưa có người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Bên cạnh đó, trợ giúp pháp lý cho các nhóm yếu thế đòi hỏi người thực hiện trợ giúp pháp lý phải có những kiến thức và kỹ năng đặc biệt (như trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên, nạn nhân của bạo lực gia đình, bị buôn bán, người khuyết tật…). Vì vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao số lượng cũng như năng lực của đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý để cung cấp dịch vụ pháp lý kịp thời, có chất lượng cho người được trợ giúp pháp lý, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; xây dựng đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý chuyên nghiệp, bị kiểm soát chặt chẽ về chất lượng cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý; tích cực huy động luật sư, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên trợ giúp pháp lý có nguyện vọng, đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý. Ngoài ra cũng cần nắm bắt số liệu về vụ việc có người được trợ giúp pháp lý được Tòa án thụ lý và tỷ lệ được trợ giúp pháp lý để nắm bắt nhu cầu trợ giúp pháp lý toàn diện hơn.
Thứ ba, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc quản lý, theo dõi, cung cấp thông tin về trợ giúp pháp lý; thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho người dân; tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý để người dân tiếp cận được dịch vụ trợ giúp pháp lý một cách nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả hơn./.

 

https://tgpl.moj.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin.aspx?ItemID=1944&l=Nghiencuutraodoi

Nguồn Cục Trợ giúp pháp lý