Phát triển một nền kinh tế xanh hướng đến mục tiêu vì con người, đảm bảo phúc lợi cao nhất cho công bằng về mặt xã hội và hạn chế tối đa những rủi ro cho môi trường, sinh thái, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên mang lại phúc lợi cao nhất cho con người vừa là thời cơ nhưng cũng nhiều thách thức đã trở thành xu hướng tất yếu của kinh tế thế giới của thời đại ngày nay. Tăng trưởng xanh phản ánh cách thức phản ứng của các nền kinh tế trước diễn biến của tình hình biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; phản ánh các xu hướng tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới với ngành công nghiệp xanh nổi lên như một mũi nhọn, tạo động lực tăng trưởng mới và mang tính cạnh tranh cao; đồng thời thể hiện những nỗ lực của chính quyền với ý tưởng, cách thức và biện pháp tái cấu trúc nền kinh tế hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững vá công bằng. Nền kinh tế tạo ra chất lượng cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người trong giới hạn sinh thái của Trái đất. Dưới góc độ kinh doanh thì kinh tế xanh là nền kinh tế mà tăng trưởng kinh tế gắn với trách nghiệm bão vệ môi trường đi đôi với nhau và tương hỗ cho nhau, đồng thời hỗ trợ quá trình phát triển xã hội.

Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập, việc làm thông qua việc đầu tư của Nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm thiểu phát thải carbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái được đặt ra song trùng mục tiêu phát triển kinh tế hướng tới hạnh phúc của con người, công bằng xã hội và các vấn đề môi trường, sinh thái.

Nội hàm của kinh tế xanh bao gồm: Phát thải carbon thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo đảm công bằng xã hội. Xét theo lĩnh vực, kinh tế xanh được xuất phát bởi việc tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực giúp bảo vệ và phát triển vốn tự nhiên của Trái đất, hạn chế suy giảm sinh thái và các rủi ro về môi trường, bao gồm: Năng lượng tái tạo, giao thông phát thải carbon thấp, xây dựng nhà hiệu quả năng lượng, các công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, hệ thống cung cấp nước sạch tiên tiến, và nông - lâm - ngư nghiệp bền vững. Đặc biệt, việc đầu tư này cần được hỗ trợ bởi các cải cách về chính sách và những nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng của thị trường.

Với những ý tưởng về nền kinh tế xanh, một nền kinh tế vừa thỏa mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết được những thách thức về môi trường đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến từ khá sớm. Trong đó, hầu hết các nghiên cứu đều thống nhất quan điểm, xu hướng phát triển kinh tế xanh tập trung sẽ bám sát vào 3 trụ cột chính, đó là: Công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định khái niệm “kinh tế xanh” không thay thế khái niệm bền vững, nhưng nó ngày càng được công nhận là mô hình phù hợp, là nền tảng cho phát triển bền vững. Trong đó tính bền vững là một mục tiêu dài hạn quan trọng, nhưng xanh hóa nền kinh tế là phương tiện đưa mỗi quốc gia đi tới đích phát triển bền vững. Vì vậy, việc chuyển đổi mô hình phát triển, hướng tới nền kinh tế xanh trong điều kiện hiện nay là lựa chọn hợp lý, nhưng lựa chọn này cũng phải nhìn nhận rõ những cơ hội và thách thức để định hướng cho phát triển.

Hiện nay, biến đổi khí hậu đang là mối quan tâm lớn nhất cộng đồng thế giới. Do đó, Việt Nam cũng sẽ đón nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của các quốc gia và các tổ chức quốc tế trên thế giới trong nỗ lực chung nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở hướng tới nền kinh tế xanh. Để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang nền kinh tế xanh, cần phải vượt qua rất nhiều thử thách. Trước hết, về nhận thức, hiểu thế nào là tăng trưởng xanh, xây dựng nền kinh tế xanh để hướng tới phát triển bền vững, đòi hỏi phải được nghiên cứu và phổ biến rộng rãi kiến thức trong tầng lớp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người dân. Nếu không nhận thức đầy đủ, tính đồng thuận trong xã hội sẽ không đạt được, do vậy sẽ khó thực hiện mục tiêu và chiến lược đã đề ra.

Về cách thức tiến hành, so với nền kinh tế truyền thống kinh tế nâu, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh mà trọng tâm là tăng trưởng xanh, cơ cấu lại nền kinh tế có sự khác biệt như thế nào và bắt đầu từ đâu trong bối cảnh tăng trưởng và phát triển kinh tế hiện nay là vấn đề lớn đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng lộ trình phát triển trong thời gian tới. Nền kinh tế xanh gắn với sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng xã hội carbon thấp, tăng trưởng xanh, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn, giảm nghèo và phục hồi môi trường. Thực tế công nghệ sản xuất hiện nay so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn, việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với nền kinh tế xanh để thực hiện tăng trưởng xanh là thách thức không nhỏ nếu không có sự trợ giúp về vốn và công nghệ của cả nước phát triển có công nghệ cao trên thế giới.

Theo tôi, những vấn đề cần được đặt ra là kinh tế xanh có vai trò như thế nào trong mục tiêu phát triển kinh tế hiện nay?, Theo tôi Phát triển kinh tế xanh là xu hướng tất yếu của nền kinh tế hiện tại và trong tương lai trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng tiêu cực, tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá nghiêm trọng hiện nay”. Hiện nay, khẩu hiệu “Kinh tế xanh” đã trở nên quen thuộc với các nền kinh tế trên thế giới nhưng với chúng ta chỉ mới là bước khởi đầu. Với mục tiêu “cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội; đồng thời, chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên. Đây là mục tiêu của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc - 2010.

Kinh tế xanh, theo tôi được hiểu là sự kết hợp giữa 3 yếu tố: Kinh tế - xã hội và môi trường. Kinh tế xanh có tính chất bền vững, có nghĩa là những hoạt động (trong nền kinh tế) tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị có ích lợi, hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng xã hội con người (đặc biệt là yếu tố văn hóa); đồng thời, những hoạt động này thân thiện với môi trường (thành tố quan trọng). 3 yếu tố này được cân bằng sẽ thỏa mãn tính bền vững.

Về vai trò của kinh tế xanh, Theo tôi, kinh tế xanh có 5 vai trò cơ bản đó là (1) nền kinh tế xanh ghi nhận các giá trị tự nhiên và vai trò của đầu tư cho vốn tự nhiên. Vốn tự nhiên là các tài nguyên nhiên nhiên như rừng, hồ, đất, nước… có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của con người. Vốn tự nhiên mang lại lợi ích cho nông nghiệp, độ màu mỡ của đất, giá trị đối với sản xuất cây trồng… đặc biệt là nguồn sống của các hộ gia đình nghèo vì sinh kế và an sinh của họ phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Vì vậy, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh không chỉ ghi nhận và minh chứng cho giá trị của vốn tự nhiên mà còn cho phép đầu tư và xây dựng vốn tự nhiên nhằm hướng tới kinh tế bền vững. (2) kinh tế xanh góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Theo kinh nghiệm của nhiều nước đang phát triển, một trong những cơ hội lớn nhất để tăng tốc độ chuyển đổi sang kinh tế xanh là đầu tư vào việc cung cấp, dự trữ nước sạng, những dịch vụ vệ sinh cho người nghèo và năng lượng tái tạo để mang lại hiệu quả kinh tế và là phương tiện xóa đói giảm nghèo cũng như cải thiện chất lượng tổng thể cuộc sống. (3) kinh tế xanh tạo ra công ăn việc làm và cải thiện công bằng xã hội. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh dẫn đến việc thay đổi cơ cấu việc làm và mức tăng số lượng việc làm cần đầu tư nguồn nhân lực cho nền kinh tế xanh. (4) kinh tế xanh khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ carbon thấp và khuyến khích sử dụng nguồn lực, năng lượng hiệu quả hơn. Khi tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt và đa dạng sinh học suy giảm, ô nhiễm môi trường gia tăng thì việc sử dụng năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính và những rủi ro về biến động giá nhiên liệu hóa thạch. (5) nền kinh tế xanh giảm thiểu phát thải carbon mở ra cuộc sống đô thị bền vững. Việc sử dụng nhiên liệu sạch, cải thiện hiệu quả năng lượng trong khu vực giao thông chuyển từ các phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế và sức khỏe con người.

Khi chuyển sang nền kinh tế xanh cần có những yêu cầu gì? Theo tôi, cần có 5 yêu cầu cơ bản sau đó là: sự thay đổi mô hình tăng trưởng từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào đầu tư, tăng vốn và khai thác tài nguyên thiên nhiên với hiệu quả sử dụng thấp sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu dựa vào các yếu tố năng suất liên quan đến sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; Để đạt được kinh tế xanh thì các ngành kinh tế phải xanh, các khu vực kinh tế phải xanh, kinh tế xanh phải nhất quán ở tất cả các khu vực của nền kinh tế từ quá trình sản xuất cho đến tiêu dùng phải đảm bảo yếu tố ảnh hưởng, cần chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường, chú trọng chuyển đổi cơ cấu nội ngành theo hướng ưu tiên những ngành ít phát thải, tiết kiệm năng lượng; đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, carbon thấp, ưu tiên đầu tư phát triển một số ngành kinh tế xanh mũi nhọn như công nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái; phải đặt ra các tiêu chí về kỹ thuật để tạo ra sản phẩm xanh, sản phẩm có thương hiệu quốc gia và quốc tế, đáp ứng yêu cầu của các đối tác thương mại; cần tính toán việc phân bổ nguồn lực đầu tư vào các ngành từ đó phát huy lợi thế “vốn tự nhiên” của các tài nguyên có thể tái tạo.

Cần có giải pháp nào để thức hiện hiệu quả nền kinh tế xanh? Theo tôi. Cần nghiên cứu xây dựng hoàn thiện hệ thống thể chế mang tầm chiến lược, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Qua đó, xây dựng nền móng khuôn khổ pháp lý cụ thể trên từng lĩnh vực; Tăng cường xây dựng hệ thống tài chính xanh ổn định, giảm chi phí vốn đầu tư; Ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng lưới điện, tạo nền móng để phát triển các nguồn năng lượng sạch và tái tạo; Tăng tốc phát triển hệ sinh thái hydro sạch. Đồng thời, cần xây dựng chương trình hành động để ưu tiên đẩy mạnh triển khai Chiến lược về tăng trưởng xanh thông qua xây dựng cơ chế chính sách đầu tư, hoàn thiện chính sách, khuôn khổ pháp lý và nâng cao khả năng tiếp cận nguồn lực đầu tư; cơ chế phối hợp phải đồng bộ để triển khai xây dựng danh mục các dự án tăng trưởng xanh trọng điểm cũng như xây dựng và triển khai các công cụ tài chính xanh phù hợp với điều kiện thực tiễn của khu vực và từng địa phương phù hợp bối cảnh quốc tế mới để thu hút đầu tư.

Hiện nay, nền kinh tế của chúng ta đang thiếu vắng các ngành kinh tế hỗ trợ, các ngành kinh tế công nghệ cao sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngành kinh tế môi trường như: Công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, công nghiệp tái sử dụng và tái chế chất thải, sản xuất năng lượng từ chất thải, năng lượng tái tạo, sản xuất hàng hóa, sản phẩm đạt tiêu chuẩn môi trường, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ… Mặc dù chúng ta đã có những cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế thân thiện môi trường, tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, công nghệ, đầu ra của sản phẩm thiếu ổn định, lợi thế cạnh tranh, lợi nhuận thấp nên vẫn chưa hình thành được những ngành kinh tế đủ mạnh để giải quyết có hiệu quả các vấn đề môi trường hiện nay. 

Trong bối cảnh mới đã khiến kinh tế xanh trở thành xu hướng tất yếu nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế và duy trì sự bền vững về môi trường. Không nằm ngoài xu thế đó, chúng ta cần nghiên cứu hoàn thiện mục tiêu này từ những ý tưởng về nền kinh tế xanh, một nền kinh tế vừa thỏa mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết được những thách thức về môi trường cần được nghiên cứu, ứng dụng thực hiện./.

TS. Phạm Quốc Sử