Anh Trần Văn A có vợ là chị Nguyễn Thị B đang đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc vào năm 2020, thời gian 5 năm; anh A ở nhà và chăm sóc con gái 7 tuổi. Trong thời gian này, chị Lê Kim C tới lui để giúp đỡ anh A trong việc chăm sóc, đưa đón con gái anh A đi học; dần dần giữa anh A và chị C nảy sinh tình cảm; đến giữa năm 2021 anh A đón chị C về ở chung sống như vợ chồng. Thời gian gần đây anh A hay cờ bạc, uống rượu, không chí thú làm ăn; nhiều lần khuyên giải không được nên chị C đòi “chia tay” anh A. Do anh A không đồng ý nên gửi đơn yêu cầu đến Tổ hòa giải ở cơ sở yêu cầu hòa giải để hai người tiếp tục duy trì mối quan hệ chung sống như vợ chồng với nhau. Tuy nhiên Tổ hòa giải từ chối không nhận đơn yêu cầu, vì cho rằng trường hợp của anh A và chị C không thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở. Như vậy việc từ chối nhận đơn của Tổ hòa giải đúng quy định hay không?

Trả lời:

Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở.

Phạm vi hòa giải ở cơ sở được quy định tại khoản 1, Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, bao gồm: Mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác); Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất; Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn;…

Tại điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP cũng quy định: không hòa giải đối với trường hợp sau: “vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết”.

Theo điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Cấm các hành vi sau đây: … Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.”.

Theo quy định này, trường hợp anh Trần Văn A đã có vợ là chị Trần Thị B đang đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, nhưng anh A chung sống như vợ chồng với chị Lê Kim C là vi phạm pháp luật về Hôn nhân và gia đình (vi phạm theo điểm c, khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Đối với hành vi của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác, thì tùy theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu xử phạt vi phạm hành chính sẽ thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã; nếu truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Đối chiếu với các quy định như nêu ở trên, thì việc Tổ hòa giải ở cơ sở từ chối tiếp nhận đơn yêu cầu hòa giải của anh Trần Văn A là đúng theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

 

Ngọc Phạm