(Ảnh minh họa nguồn từ wwwBaochinhphu.vn)

Theo đó các hành vi vi phạm về tích trữ xăng, dầu và cố tình ngưng bán hoặc hạn chế bán xăng dầu bị xử lý như sau:

1. Tích trữ xăng dầu

Khoản 8 Điều 1 Luật Phòng cháy chữa cháy 2001 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2013) quy định: “Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ” là hành vi bị nghiêm cấm. Vì vậy trường hợp tích trữ xăng dầu không đảm bảo các điều kiện an toàn gây ra cháy nổ, thiệt hại đến người và tài sản thì có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, cũng như trách nhiệm bồi thường.

Xử lý hành chính: Khoản 4 Điều 32 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi tàng trữ trái phép chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 2 Điều 4 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP).

Trách nhiệm hình sự: Đối với hành vi tàng trữ xăng dầu thì tùy theo mức độ thiệt hại về người và tài sản, người vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 12 năm theo quy định tại Điều 313 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), cụ thể như sau:

1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

2. Cố tình ngưng bán hoặc hạn chế bán xăng dầu

Mục 4 Công văn 1155/BCT-TTTN ngày 08/3/2022 Bộ trưởng Bộ Công thương về việc tăng cường kiểm tra, giám sát, hoạt động kinh doanh xăng dầu quy định: “Trước tình hình khó khăn về nguồn cung và giá xăng dầu biến động mạnh như hiện nay, nếu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoặc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu ngưng hoặc hạn chế bán hàng mà không có lý do chính đáng sẽ bị xem xét đình chỉ hoặc tước Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định”./.

                                                                                                                                                                Gia Hân