Tại Việt Nam, mặc dù chưa có luật chống bạo lực học đường nhưng trong các văn bản pháp luật đã có những quy định liên quan đến vấn đề này. Hiến pháp năm 2013 quy định tại Điều 20: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nàokhác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tại Điều 33 về quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể: “Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Điều 34, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình...Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại”. Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người”, thể hiện quan điểm của Nhà nước ta về việc xử lý nghiêm minh đối với các tội phạm xâm phạm quyền con người. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định tại Điều 11: “Mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân đều bịxửlý theo pháp luật”. Luật Trẻ em năm 2016 quy định “Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển” (Điều 12); “Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư” (Điều 21); “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực” (Điều 27).  Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam có các quy định để xử lý hành chính, hình sự đối với hành vi bạo lực học đường. Đồng thời trong Nội quy của nhà trường cũng quy định nghiêm cấm học sinh, sinh viên, giáo viên thực hiện hành vi bạo lực.

Mặc dù quy định (pháp luật và nội quy, quy chế) đã đầy đủ và tương đối toàn diện, tuy nhiên, tình trạng bạo lực học đường vẫn còn xảy ra. Vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa rất nhiều tin về tình trạng bạo lực học đường. Hiện tượng bạo lực học đường là một thực tế không mới nhưng những vụ việc bạo lực học đường ở một số nơi trong thời gian gần đây đã bộc bộ những tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường như ảnh hưởng từ môi trường gia đình; công tác tuyên truyền pháp luật trong trường học còn nhiều hạn chế; trường học chưa thật sự siết chặt quản lý; ảnh hưởng bạo lực từ phim ảnh, sách báo, trò chơi; căng thẳng do học hành thua kém hay vì những lý do về tâm sinh lý lứa tuổi đã khiến học sinh có trạng thái tâm lý bất mãn; căng thẳng trong công việc đã khiến giáo viên không kiểm soát được hành vi của mình; do cha mẹ ít quan tâm, buông lỏng việc dạy dỗ con cái... Bạo lực học đường khiến môi trường học tập không an toàn, gây mất trật tự xã hội, gây suy thoái đạo đức xã hội. Những hậu quả mà bạo lực học đường gây ra về cả thể xác và tinh thần đều trực tiếp ảnh hưởng đến việc học tập cũng như sự phát triển trong tương lai của học sinh nếu không được can thiệp kịp thời. Đặc biệt, nhiều hành vi bạo lực học đường đã khiến cá nhân trở thành tội phạm.

Giải quyết tình trạng bạo lực học đường không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành giáo dục, mà cần có sự quan tâm, tham gia của gia đình, sự phối hợp, vào cuộc của các cấp chính quyền, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và của toàn xã hội. Bài viết này đề xuất một số giải pháp để hạn chế tình trạng bạo lực học đường. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, có kiểm tra và đánh giá các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường…

Thứ hai, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường

Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, nhất là các quy định của pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân; các hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích hoặc hành vi làm nhục người khác… Đối với trường học, việc lựa chọn những nội dung tuyên truyền pháp luật ngắn gọn, dễ hiểu và thông qua hình thức hấp dẫn như phiên tòa giả định, cuộc thi sân khấu hóa tìm hiểu pháp luật, tờ rơi, tờ gấp, tranh ảnh minh họa, trò chơi tìm hiểu pháp luật hoặc lồng ghép tuyên truyền pháp luật trong sinh hoạt ngoại khóa...sẽ mang lại những kết quả tích cực góp phần nâng cao nhận thức pháp luật trong nhà trường, từ đó hạn chế bạo lực học đường, xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh.

Ngoài việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống vào nội dung, chương trình môn học nhà trường cần phải trang bị cho học sinh nhiều kỹ năng sống hơn, đặc biệt là các kỹ năng về quản lý cảm xúc, kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn, giáo dục kỹ năng sử dụng mạng xã hội và cách ứng xử trên mạng xã hội. Đồng thời tạo cho các em nhiều sân chơi, hoạt động lành mạnh, ý nghĩa và phù hợp với đặc thù lứa tuổi… giúp học sinh nhận thức được các bài học của lòng nhân ái, bao dung, sự tôn trọng và trách nhiệm của bản thân với những người xung quanh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, gia đình học sinh và cộng đồng về phòng, chống bạo lực học đường và phát hiện, thông báo, tố giác, ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường.

Thứ ba, tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý, giáo dục học sinh; nhà trường hỗ trợ, cung cấp cho cha mẹ học sinh kiến thức, kỹ năng trong việc đồng hành, giáo dục con. Bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về tư vấn tâm lý và kỹ năng ứng xử, giải quyết các tình huống sư phạm.

Thứ tư, tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo về xây dựng và đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nhà giáo./.

 

Nguồn Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp