Tôi chủ động đưa người đi xe máy vào bệnh viện huyện cấp cứu, nhưng người đi xe máy có biến chuyển xấu, phải chuyển viện lên Thành phố Hồ Chí Minh và mổ não, hiện đã qua cơn nguy kịch. Vậy, trường hợp của tôi theo quy định của pháp luật sẽ xử lý như thế nào, trách nhiệm sẽ thuộc về ai và tôi có phải bồi thường chi phí cho người đi xe máy không?

 

Trả lời: Vấn đề của ông Phạm Văn Th hỏi, chúng tôi trả lời để ông tham khảo như sau:

Theo Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định “Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác. Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian”.

Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết; cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông.

Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.

Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó; sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết; khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái; xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.

Về bồi thường thiệt hại, Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS) quy định ai có hành vi xâm phạm tài sản, tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Người gây thiệt hại không phải bồi thường nếu thiệt hại hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại Điều 585 BLDS quy định:

“Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình”.

Khoản 3 Điều 601 BLDS quy định bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (phương tiện giao thông vận tải cơ giới là một nguồn nguy hiểm cao độ) thì “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Theo đó, trường hợp cả hai bên cùng có lỗi thì hai bên phải bồi thường đối với phần lỗi tương ứng hoặc có thể thỏa thuận việc bồi thường. Trường hợp lỗi hoàn toàn thuộc về người điều khiển xe máy thì chủ xe ôtô không phải bồi thường thiệt hại.

Với thông tin vụ việc từ ông Phạm Văn Th chỉ nói đã đỗ xe gọn gàng, còn việc tuân thủ quy định về tín hiệu cảnh báo, biển báo nguy hiểm khi đỗ xe chiếm phần đường xe chạy, vị trí đỗ xe chưa rõ ràng; người đi xe máy có dấu hiệu cơ thể "nồng nặc mùi cồn". Nên trường hợp này chưa thể loại trừ lỗi xảy ra từ cả hai bên, chủ xe ô tô vi phạm quy định về đỗ xe, còn người điều khiển xe máy vi phạm quy định về nồng độ cồn vượt mức quy định khi tham gia giao thông.

Như vậy, nếu cả hai bên đều có lỗi, gây hậu quả chết người hoặc gây thương tích tỷ lệ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật hình sự. Trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bên có lỗi phải chịu trách nhiệm xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự./.

 

Đức Bính