Nhưng suy cho cùng dù ai có hành vi bạo lực với ai cũng điều để lại những hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em; làm hạn chế sự tham gia của họ vào đời sống cộng đồng, không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho các thành viên trong gia đình mà còn vi phạm nghiêm trọng các quyền con người. Như vậy pháp luật có những quy định gì để xử lý hành vi bạo lực gia đình?

Về vấn đề này, pháp luật Việt Nam đã có rất nhiều văn bản điều chỉnh về phòng, chống bạo lực gia đình. Xử lý kỷ luật, xử lý hành chính; xử lý theo pháp luật hình sự và một số biện pháp khác.

Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân gia đình được áp dụng tại Mục 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 (thay thế Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình). Theo đó, các mức phạt liên quan đến bạo lực gia đình cũng tăng cao:

Đối với hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình (khoản 1 và khoản 2 Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP): Phạt tiền từ  5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình; Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

Đối với hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình (khoản 1  Điều 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP): Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.

Đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình (khoản 1 và khoản 2 Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP): Phạt tiền từ  5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.

Phạt tiền từ  10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình; Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

Đối với Hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý (khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 55 Nghị định 144/2021/NĐ-CP): Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:  Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó; Không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc; Không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình phải chứng kiến cảnh bạo lực đối với người, con vật.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Cưỡng ép thành viên gia đình thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục; Có hành vi kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình.

Tại Điều 42 Luật Phòng chống bạo lực gia đình quy định về xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình: Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Như vậy, ngoài xử lý hành chính như quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP, thì tùy tính chất mức độ hành vi mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ Luật hình sự  và nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự.

Để phòng ngừa và ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình thì việc xử lý hành vi bạo lực gia đình rất quan trọng và cần thiết, không những làm giảm nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội mà còn góp phần xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc./.

Lâm Tư