Đã nói là bệnh, thì bệnh nào cũng đều có nguyên nhân làm phát sinh đến hậu quả cuối cùng “di chứng” để lại. Bệnh về “sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bệnh xuất phát từ trình độ nhận thức và phẩm chất đạo đức đó là hai bệnh chủ quan và bệnh hẹp hòi.

Về bệnh hẹp hòi, Người viết: “Bệnh này rất nguy hiểm, mà nhiều cán bộ và đảng viên còn mắc phải, bệnh này ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết, nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân. Nhiều thứ bệnh của chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham lam danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hóa… đều do bệnh hẹp hòi mà ra!” .

Trong mục “Những khuyết điểm sai lầm”, Chủ lịch Hồ Chí Minh viết: “Trong Đảng ta còn những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư”, cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các bệnh rất nguy hiểm”. Người chỉ ra 8 loại bệnh cơ bản:

Thứ nhất, là bệnh tham lam: “Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, chỉ “tự tư tự lợi”. Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình”.

Thứ hai, bệnh lười biếng: “Tự cho mình là cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết. Làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ. Việc dễ thì tranh lấy cho mình. Việc khó thì đùn cho người khác. Gặp nguy hiểm thì tìm cách trốn tránh”.

Thứ ba, bệnh kiêu ngạo: “Tự cao, tự đại, ham địa vị hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo cho ai cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi quần chúng, không muốn cho người ta phê bình. Việc gì cũng muốn làm thầy người khác”.

Thứ tư, bệnh hiếu danh: “Tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại. Có khi vì cái tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm. Đến khi bị công kích, bị phê bình thì tinh thần lung lay. Những người đó chỉ biết lên mà không biết xuống. Chỉ chịu được sướng mà không chịu được khổ. Chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực”.

Thứ năm, bệnh thiếu kỷ luật: “Đã mắc bệnh cá nhân thì tư tưởng và hành động cũng đặt cá nhân lên trên. Vì thế mà việc gì cũng không lấy Đảng làm nền tảng. Mình muốn thế nào thì làm thế ấy. Quên cả kỷ luật của Đảng. Phê bình thì cốt công kích những đồng chí mình không ưa. Cất nhắc thì cốt làm ơn với những người mình quen thuộc”.

Thứ sáu, óc hẹp hòi: “Ở trong Đảng thì không biết cất nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình, ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách mạng, không khôn khéo bằng mình. Vì thế mà không biết liên lạc hợp tác với những người có đạo đức, tài năng ở ngoài Đảng. Vì thế mà người ta uất ức và mình thành ra cô độc”.

Thứ bảy, óc địa phương: “Bệnh này tuy không xấu bằng các bệnh kia nhưng kết quả cũng rất tai hại. Miễn là cơ quan mình, bộ phận mình, địa phương mình được việc. Còn các cơ quan, bộ phận, địa phương khác ra sao cũng mặc kệ. Đó là vì cận thị, không xem xét toàn thể. Không hiểu rằng lợi ích nhỏ phải phục tùng lợi ích to, ích lợi bộ phận phải phục tùng ích lợi toàn thể”.

Thứ tám, óc lãnh tụ: “Từ xưa đến nay, quần chúng không bao giờ tin cậy và yêu mến những kẻ tự cao tự đại, những kẻ có óc lãnh tụ, tự xưng ta đây là anh hùng, lãnh tụ. Đem so sánh với những công việc của cả loài người trong thế giới, thì những người đại anh hùng xưa nay cũng chẳng qua làm tròn một bộ phận mà thôi. Mỗi người chúng ta cố làm đầy đủ những công việc Đảng giao phó cho, thế là ta làm tròn nhiệm vụ và lòng tự hào đó giúp cho ta tiến bộ mãi”.

Ngoài những bệnh cơ bản kể trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra những bệnh khác. Chúng có liên quan rất phức tạp với các bệnh trên. Người viết:

Thứ nhất, bệnh “hữu danh vô thực”: “Làm việc không thiết thực, không từ chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới làm lên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ thì rỗng tuếch”.

Thứ hai, bệnh kéo bè kéo cánh: "Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình. Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí. Nó gây ra những mối nghi ngờ”.

Thứ ba, bệnh cận thị: “Không trông xa thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỷ mỉ… Những người như vậy, chỉ trông thấy sự lợi hại nhỏ nhen mà không thấy sự lợi hại to lớn”.

Thứ tư, bệnh cá nhân: Với loại bệnh này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra mười triệu chứng của nó. Sau đó, Người đi đến khẳng định và kết luận: Những bệnh tật đó khiến cho Đảng xệch xoạc, ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bê trễ. Chính sách không thi hành được triệt để, Đảng xa rời quần chúng. Mắc phải bệnh đó thì dễ đi đến chỗ để lợi ích cá nhân lên trên, để lợi ích Đảng và dân tộc xuống dưới. Mọi người cách mạng bao giờ cũng phải trung thành, hăng hái, xem lợi ích của Đảng và dân tộc quý hơn tính mệnh của mình. Bao giờ cũng quang minh chính trực, ham cách sinh hoạt tập thể, luôn luôn săn sóc dân chúng, giữ gìn kỷ luật, kiên quyết chống lại “bệnh cá nhân”.

Thứ năm, bệnh lười biếng. Sau khi chỉ ra những biểu hiện lâm sàng của loại bệnh này Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Kết quả nhỏ là nghị quyết đầy túi áo, thông cáo đầy túi quần”. “Kết quả nặng là: phá hoại tổ chức của Đảng, bỏ mất thời cơ tốt, lúc nên làm thì không làm, khi làm thì trễ rồi”. Và Người chỉ rõ: “Đó là vì lười biếng, chậm chạp. Vì không hiểu rằng: Đảng cũng như thân thể một con người. Mệnh lệnh và nghị quyết cũng như mạch máu. Mạch máu chạy đều khắp thân thể thì người mạnh khỏe. Mạch máu dừng lại đâu, không chạy thì chỗ đó sẽ tê liệt, sinh bệnh”.

Thứ sáu, bệnh tị nạnh. Cái gì cũng muốn “bình đẳng”. Người chỉ ra triệu chứng chung của nó là: “Bệnh này sinh ra vì hiểu lầm hai chữ bình đẳng. Không hiểu rằng người khỏe gánh nặng, người yếu gánh nhẹ. Người làm việc nặng phải ăn nhiều, người làm việc dễ thì ăn ít”.

Thứ bảy, bệnh xu nịnh, a dua: “Trước mặt thì ai cũng tốt, sau lưng thì ai cũng xấu. Thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi. Theo gió bẻ buồm, không có khí khái”.

Để chỉ ra vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng trước việc phát sinh những chứng bệnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nói về Đảng, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh nặng, không chết cũng lê lết quả dưa”.

Về việc chữa những bệnh trên thì mỗi loại bệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra một bài thuốc riêng, vừa để cấp cứu vừa để chữa lâu dài. Bên cạnh đó, Người còn đưa ra những bài thuốc tổng hợp vừa bổ, vừa chữa bệnh chính là “cách đối với các khuyết điểm” đó là:

“a. Phân tích rõ ràng cái gì đúng, cái gì sai.

b. Không chịu nổi ảnh hưởng của những tư tưởng sai lầm, những phần tử không tốt. Ra sức học tập và nâng cao những kiểu mẫu tốt.

c. Không để mặc kệ. Mà ra sức tranh đấu sửa chữa những khuyết điểm, không để nó phát ra, không để nó có hại cho Đảng.

d. Không làm cách máy móc. Nhưng khéo dùng cách phê bình và tự phê bình để giúp đồng chí khác sửa đổi những sai lầm và khuyết điểm, giúp họ tiến bộ.

đ. Đoàn kết Đảng bằng sự tranh đấu nội bộ. Nâng cao kỷ luật và uy tín của Đảng”.

Tiếp cận bản lĩnh, cái tâm của con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: “Ta đã thấy rõ những bệnh ấy thì ta tìm được cách chữa. Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ, cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau. Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình. Đá đi lâu cũng mòn. Sắt mài lâu cũng sắc. Ta cố gắng sửa chữa thì khuyết điểm ngày càng bớt, ưu điểm ngày càng thêm”.

Các loại bệnh trên chung quy xuất phát từ một nguồn gốc cơ bản, đó là chủ nghĩa cá nhân. Đây là một bệnh nguy hiểm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn mọi người phải chú ý đề phòng, đồng thời Người đặt thẳng nhiệm vụ phải “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Cách chữa các loại bệnh như trên cũng xuất phát từ yêu cầu của công tác cán bộ vì “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Người nêu ra một chân lý quan trọng: “Muốn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”.

Khi tìm hiểu, nghiên cứu các loại bệnh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, ta thấy chúng xuất phát từ cái “tâm” của con người. Đó là những bệnh chủ yếu thuộc về tâm chứ không phải về thể. Cái “tâm” ở đây không phải là “duy tâm” mà là đạo đức, lòng người, cho nên “bệnh tâm” thì “phải chữa bằng tâm”. Phải nhanh chóng khắc phục những bệnh trên theo lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đi đôi với củng cố xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn để tạo cho mọi người có một tâm hồn lành mạnh vì tương lai và vì sự phát triển của đất nước.

Phạm Quốc Sử 

 Tài liệu được sử dụng: (1) Từ điển Bách khoa Việt Nam, quyển 1, Trung tâm biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam, H.1995, tr.193. (2). Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 5, tr.236. (Từ 3 đến 23) Sđd, tr254-269. (24) Sđd, tập 5, tr.240.