Pháp luật quy định cá nhân có quyền nhận di sản thừa kế theo di chúc và theo pháp luật. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 621 Bộ luật dân sự 2015 quy định những người có hành vi sau đây không được quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật bao gồm:

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó.

Điều kiện được đặt ra trong trường hợp này là phải có một bản án có hiệu lực của pháp luật. Vì vậy, người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không bị kết án thì sẽ không bị ràng buộc bởi điều này. Mặt khác, nếu một người đã bị kết án, sau đó được xóa án tích thì vẫn không được quyền hưởng di sản.

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản.

Theo đó nghĩa vụ nuôi dưỡng được xác định trong các trường hợp: Người có nghĩa vụ nuôi dưỡng và người để lại thừa kế có quan hệ cha, mẹ – con; Người có nghĩa vụ nuôi dưỡng và người để lại thừa kế có quan hệ anh, chị – em; Người có nghĩa vụ nuôi dưỡng và người để lại thừa kế có quan hệ ông, bà – cháu.  

Hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản khi người đó có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng với người mà người đó có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật nhưng cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng làm cho người đó lâm vào tình trạng khổ sở hoặc nguy hiểm đến tính mạng thì không có quyền hưởng di sản của người đó để lại.

c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.

Người có hành vi giết người trong trường hợp này bị “tước” quyền hưởng di sản thừa kế khi: Hành vi giết người là hành vi cố ý: nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả đó xảy ra. Mục đích giết người để nhằm chiếm đoạt di sản thừa kế của người khác. Đã có bản án kết án về hành vi cố ý giết người của người đó.

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Quyền lập di chúc để định đoạt tài sản chính là quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu khi còn sống. Hành vi cản trở đối với người lập di chúc là hành vi trái pháp luật. Do vậy, người có hành vi cản trở sẽ bị tước quyền hưởng di sản do người có di sản để lại.

Trường hợp người thừa kế có hành vi lừa dối người lập di chúc hoặc giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc… mà không nhằm mục đích hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người lập di chúc thì chỉ áp dụng các biện pháp chế tài thông thường theo Luật dân sự như bồi thường thiệt hại, chứ không bị tước quyền thừa kế theo trường hợp này.

Tuy nhiên, nhằm đảm bảo nguyên tắc tôn trọng sự tự do ý chí của các bên trong thừa kế và ý chí của người để lại di sản nên những người có hành vi nói trên vẫn được hưởng di sản thừa kế theo di chúc được quy định tại khoản 2 Điều 621 Bộ luật dân sự 2015 đó là “Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.”./.

                                                                                                       Lê Đồng