(Kỳ họp thứ tư khóa X của Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau thông qua 28 nghị quyết quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội)

Dưới góc độ thể chế chúng ta có thể khẳng định rằng: Với vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, HĐND tỉnh quyết định các vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh bằng việc ban hành Nghị quyết của HĐND trên cơ sở quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 và 0219, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 sửa đổi bổ sung 2020 thì việc xây dựng, ban hành Nghị quyết là một hoạt động rất quan trọng của HĐND, trong đó thể hiện ý chí, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, là sản phẩm, tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND và để cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thông qua công tác ban hành các văn bản quy phạm pháp luật góp phần tạo nên một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ổn định, khi triển khai thực hiện tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hiện nay, chúng ta có đủ thể chế pháp luật đảm bảo tính khoa học, khả thi khi ban hành Nghị quyết HĐND tỉnh. Nhưng để đảm bảo chất lượng, theo tôi cần chú trọng thực hiện một số nội dung như sau:

Cần tuân thủ đúng quy trình các bước, từ khâu chuẩn bị lập đề nghị xây dựng Nghị quyết, soạn thảo và lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết, thẩm định, thẩm tra dự thảo Nghị quyết, thông qua dự thảo Nghị quyết đến triển khai thực hiện và giám sát việc thực hiện Nghị quyết đó. Khi chuẩn bị  xây dựng Nghị quyết, các cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các Ban HĐND tỉnh lập dự kiến chương trình xây dựng Nghị quyết, thông qua các cuộc họp để bàn thống nhất nội dung, chương trình. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan soạn thảo tạo điều kiện để các Ban HĐND tỉnh tham gia theo dõi, góp ý ngay từ đầu trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết.

Trong quá trình soạn thảo Nghị quyết, Thường trực HĐND tỉnh phân công các Ban HĐND tỉnh chủ động, phối hợp với cơ quan đề nghị ban hành Nghị quyết xem xét sự cần thiết, căn cứ pháp lý, đối tượng, phạm vi điều chỉnh, nội dung chính của Nghị quyết sẽ ban hành; kịp thời đôn đốc, nhắc nhở cơ quan soạn thảo tích cực chuẩn bị nội dung gửi các Ban HĐND tỉnh thẩm tra. Sở Tư pháp phải có ý kiến thẩm định trước khi trình Ban của HĐND tỉnh thẩm tra. Hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh đóng vai trò rất quan trọng, để thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, cần có phản biện và đánh giá sự tác động của Nghị quyết đến các đối tượng liên quan... giúp công tác thẩm tra đạt chất lượng, hiệu quả. Vấn đề nào thấy nội dung cần thiết xem xét thêm thì Ban của HĐND tỉnh sẽ tổ chức khảo sát thực tế để có thu thập thông tin, phân tích, đánh giá cụ thể và có những đề xuất kiến nghị sát, đúng.

Đối với các đề án xây dựng Nghị quyết có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều đối tượng trên địa bàn tỉnh thì cơ quan soạn thảo phải tổ chức lấy ý kiến Nhân dân; mời chuyên gia có chuyên môn sâu tư vấn, phản biện, đóng góp ý kiến. Các dự thảo Nghị quyết được các cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở ý kiến thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh hoặc ý kiến đóng góp của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh trước khi trình HĐND xem xét, quyết định.

Sau khi Nghị quyết HĐND tỉnh được ban hành, Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát chặt chẽ việc tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống và phát hiện những điểm chưa phù hợp để kịp thời đề xuất biện pháp điều chỉnh, bổ sung; đồng thời, chấn chỉnh những trường hợp chậm triển khai hoặc triển khai chưa đầy đủ theo tinh thần Nghị quyết. Đây là khâu có ý nghĩa quan trọng để đánh giá chất lượng và hiệu quả tác động của Nghị quyết, đảm bảo Nghị quyết được thực thi đồng bộ, hiệu quả.

Chúng ta cần thừa nhận thực tế rằng: Bên cạnh những mặt thuận lợi, kết quả đạt được, trong quá trình xây dựng, ban hành Nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh cũng gặp không ít khó khăn vướng mắc, hạn chế như:

Khi thực hiện các quy trình xây dựng Nghị quyết, có lúc còn thiếu khâu điều tra, khảo sát, phân tích, đánh giá tình hình thực tế và chưa bám sát thực tiễn cũng như khả năng của địa phương đối với Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành.

Một số Nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên quá trình triển khai thực hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Trong đó, nguyên nhân cơ bản là do cơ quan soạn thảo chuẩn bị xây dựng Nghị quyết chưa chu đáo, còn mang tính hình thức, chất lượng chưa cao, chưa đánh giá hết các tác động của Nghị quyết.

Trong quá trình soạn thảo, xây dựng Nghị quyết, một số cơ quan chưa chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban của HĐND tỉnh (có trách nhiệm thẩm tra) làm ảnh hưởng thời gian thẩm tra và chất lượng Nghị quyết.

Số lượng Nghị quyết ban hành tại một kỳ họp quá nhiều, trong khi thời gian nghiên cứu thẩm tra rất ngắn, nên ảnh hưởng đến chất lượng cũng như hiệu quả ban hành Nghị quyết.

Để khắc phục tình trạng này, và đảm bảo việc xây dựng và ban hành Nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh đạt chất lượng, hiệu quả, theo tôi cần quan tâm thực hiện một giải pháp như sau:

Thường trực HĐND tỉnh cần xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể, nêu rõ thời gian, cơ quan, tổ chức (chủ thể soạn thảo) chủ trì, phối hợp thực hiện các quy trình xây dựng Nghị quyết theo luật định. Trong quá trình thực hiện, kiên quyết không đưa vào chương trình ban hành Nghị quyết những nội dung chuẩn bị chưa tốt; không bổ sung vào nội dung trình tại kỳ họp HĐND đối với những trường hợp không chấp hành yêu cầu của Thường trực HĐND tỉnh về quy trình xây dựng, ban hành Nghị quyết.

 Đối với các Nghị quyết có ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều đối tượng, cần tổ chức lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động của chính sách ban hành thông qua công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của địa phương (bước này phải được cả cơ quan soạn thảo và các Ban HĐND tỉnh được phân công chịu trách nhiệm thẩm tra thực hiện). Việc tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của chính sách để xây dựng Nghị quyết là vấn đề rất quan trọng, nhằm phát huy trí tuệ của tập thể, các tầng lớp nhân dân đảm bảo chính sách khi ban hành có tính khả thi, hiệu lực cao và dễ đi vào cuộc sống.

Công tác thẩm tra nội dung Nghị quyết cần được cải tiến theo hướng cơ quan chuyên môn phải chủ động soạn thảo dự thảo Nghị quyết sớm và có ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp, sau đó gửi đến Thường trực HĐND tỉnh xem xét, phân công Ban của HĐND tỉnh có liên quan theo dõi, tham gia góp ý kiến ngay từ đầu và tổ chức thẩm tra, góp phần nâng cao chất lượng thẩm tra Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Tại Đại hội XII, Đảng ta nhấn mạnh yêu cầu kiểm tra và giám sát. Kiểm tra nhằm mục đích xây là chính, xây tốt để chống, chống cũng là để xây. Kiểm tra thường xuyên việc lãnh đạo, thực hiện nghị quyết của đảng bộ các cấp chính là thêm một lần nhắc nhở tinh thần, ý thức, trách nhiệm, sớm bổ sung, điều chỉnh những gì đã trở nên lạc hậu, lỗi thời, thậm chí là sức ỳ cho phát triển. Kiểm tra cũng là để chống thói quan liêu, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, thay thế những cán bộ không còn khả năng làm việc. Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, hoạt động thông tin tuyên truyền qua tiếp xúc cử tri, họp các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và giám sát của Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh là rất cần thiết; việc giám sát nhằm kịp thời phát hiện những điểm chưa phù hợp và đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc là rất quan trọng để Nghị quyết được thực đi vào cuộc sống một cách thật hiệu quả.

Đây là một số kinh nghiệm có được từ thực tiễn công tác, tác giả mong muốn chia sẻ và mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi kinh nghiệm chung./.

                                             Tiến sĩ: Phạm Quốc Sử