Do đó, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao tại khoản 1 Điều 14 Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, ngày 25/5/2023, Bộ Tư pháp ban hành Công văn số 2081/BTP-PBGDPL hướng dẫn một số nội dung về xây dựng, quản lý, khai thác TSPL.

1. Vai trò xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn hiện nay
Xây dựng TSPL ở cơ sở là một trong những hoạt động nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi trong cán bộ, nhân dân. Ở một số địa phương, TSPL đã được duy trì và phát huy hiệu quả, là công cụ truyền tải những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thực tế nếu được quan tâm và đầu tư đúng mức thì hiệu quả tuyên truyền của TSPL sẽ còn phát huy hiệu quả hơn nữa.
Những năm qua, mô hình TSPL được xây dựng, duy trì ở 100% xã, phường, thị trấn và nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Không thể phủ nhận hiệu quả tích cực của TSPL đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, để TSPL thực sự phát huy lợi ích thiết thực, công tác quản lý, khai thác cần được các cấp, ngành quan tâm hơn nữa. TSPL đa số được đặt tại Trung tâm học tập cộng đồng xã với 300 - 400 đầu sách các loại. TSPL của xã cung cấp nhiều đầu sách phục vụ nhu cầu tra cứu của Nhân dân, thực hiện luân chuyển các đầu báo pháp luật và cập nhật nhiều đầu sách mới, góp phần thu hút nhiều lượt người dân tới đọc sách, báo, tạo thói quen chủ động tìm hiểu pháp luật. Ngoài ra, TSPL còn được tổ chức tại Trung tâm học tập cộng đồng và điểm Bưu điện văn hóa các xã, thị trấn, trường học và nhà văn hóa các khu dân cư. Hệ thống tủ sách, ngăn sách pháp luật thường xuyên được bổ sung đầu sách mới đã phát huy tốt hiệu quả phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, hội viên, Nhân dân.
TSPL là mô hình thiết thực giúp cung cấp tài liệu, văn bản pháp luật chính thống, chính xác đến người dân. Giúp người đọc nắm bắt quy định mới, quy định đã bị thay thế, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung. Mô hình TSPL là kênh thông tin pháp luật quan trọng đối với người dân ở cơ sở, nhất là những nơi còn nhiều khó khăn về điều kiện hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, người dân ít có điều kiện tiếp cận thông tin về pháp luật.

 

(Ảnh: Tủ sách pháp luật tại Phường Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội. Nguồn: TVD)


Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng, quản lý, khai thác TSPL trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế như: do sự phổ biến, thông dụng việc truy cập thông tin trên mạng internet nên kinh phí bổ sung sách, tài liệu cho mô hình TSPL truyền thống phần nào bị hạn chế; nhân lực phụ trách TSPL hiện nay chủ yếu là cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã, cán bộ văn phòng các cơ quan cùng lúc kiêm nhiệm nhiều việc, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả quản lý, khai thác TSPL. Mặt khác, số lượng văn bản quy phạm pháp luật quá nhiều, thường xuyên có sự thay đổi nên việc cập nhật, bổ sung kịp thời văn bản mới cho TSPL gặp nhiều khó khăn. Số lượng đầu sách hiện nay tại các TSPL chưa phong phú, chưa đáp ứng nhu cầu của số đông người đọc. Bên cạnh đó, tình trạng khó khăn về kinh phí cũng ảnh hưởng lớn đến việc cập nhật, bổ sung đầu sách và các văn bản, tài liệu mới cho TSPL…Việc duy trì tủ sách pháp luật tại cơ sở vẫn cần thiết để cho cán bộ, công chức, người dân tra cứu, áp dụng chính xác quy định của pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ được giao và giải quyết công việc liên quan đến chính sách, pháp luật, nhất là tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới thiếu thốn về cơ sở vật chất, người dân không dễ dàng tìm kiếm thông tin pháp luật trên môi trường mạng.           
2. Khó khăn, hạn chế, vướng mắc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn hiện nay
- Một số cơ quan, đơn vị, địa phương duy trì TSPL còn mang tính hình thức, chưa phát huy hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực; số lượng đầu sách chưa phong phú, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ hằng năm tương đối nhiều làm cho việc cập nhật, thay thế gặp khó khăn. Một số nơi, khi văn bản pháp luật được bổ sung đến Tủ sách thì đã lạc hậu.
- Một số địa phương chưa kịp thời chỉ đạo thực hiện việc sáp nhập với thư viện xã, điểm bưu điện văn hóa xã, Trung tâm học tập cộng đồng. Công tác tuyên truyền, phổ biến việc khai thác TSPL để người dân đến tìm đọc còn hạn chế; có trường hợp người dân thấy TSPL nhưng không biết ai là người cho mượn để đọc. Mặt khác, chỉ khi nào có yêu cầu nhiệm vụ hoặc phát sinh quyền, nghĩa vụ liên quan đến lĩnh vực nào đó thì cán bộ, người dân mới tìm hiểu mà chưa có thói quen chủ động tự tìm hiểu.
- Sự phát triển của CNTT hiện nay dẫn đến nhiều cán bộ, công chức và Nhân dân chủ yếu khai thác, tìm hiểu pháp luật qua Công báo điện tử của Chính phủ, các Trang TTĐT, nên TSPL, bộ phận sách, tài liệu pháp luật của Bưu điện văn hóa, Trung tâm học tập cộng đồng tại cấp xã ở nhiều nơi kém hiệu quả và có xã không còn duy trì hoạt động.
 3. Nguyên nhân của những hạn chế trong việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn hiện nay
- Một số lãnh đạo chính quyền cấp xã chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa, vai trò của tủ sách, ít quan tâm chỉ đạo xây dựng, quản lý, bố trí kinh phí và khai thác sử dụng.
- Nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế, chưa ổn định, chưa đáp ứng được yêu cầu duy trì, phát triển tủ sách; việc xã hội hóa cho công tác xây dựng TSPL còn chưa thực hiện được nhiều.
- Cán bộ phụ trách tủ sách thường kiêm nhiệm, hạn chế thời gian đầu tư quản lý tủ sách.
- Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc tra cứu các văn bản pháp luật trên mạng được thực hiện rất nhanh chóng, tiện lợi, người dân chỉ cần có máy tính/hoặc điện thoại kết nối mạng Internet là có thể tra cứu, tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật.

4. Giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn hiện nay
- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc triển khai thực hiện Quyết định số 14/2019/QĐ-TTG ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật. UBND các tỉnh cần hoàn tất việc giao cho Sở Tư pháp (cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh) phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả, xác định nhu cầu sử dụng, khai thác tủ sách pháp luật; thực hiện quy trình cập nhật sách, tài liệu pháp luật trên TSPL điện tử quốc gia, xác định nhu cầu sử dụng TSPL tại các địa phương, đơn vị để có giải pháp hiệu quả.
- Sở Tư pháp các tỉnh cần tham mưu chỉ đạo sáp nhập TSPL xã, phường, thị trấn với thư viện hoặc điểm bưu điện - văn hóa xã, trung tâm học tập cộng đồng. Phân công cán bộ được giao quản lý thư viện xã hoặc điểm bưu điện - văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng có trách nhiệm trực tiếp quản lý, khai thác sách, tài liệu pháp luật theo quy định; công chức tư pháp - hộ tịch có trách nhiệm tham mưu, rà soát sách hết hiệu lực, bổ sung, cập nhật các sách, tài liệu mới phù hợp nhu cầu tiếp cận thông tin, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức, người dân.
- Sở Tư pháp các địa phương khẩn trương nghiên cứu xây dựng tủ sách pháp luật điện tử cho phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin và tâm lý người đọc hiện nay.
- Phát huy hơn nữa hiệu quả tủ sách pháp luật, thu hút người dân đến đọc, tìm hiểu, vấn đề quan trọng vẫn là tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tủ sách pháp luật, cũng như văn hóa đọc. Đổi mới trong quản lý và khai thác tủ sách pháp luật tại cơ quan, đơn vị, để tủ sách pháp luật thực sự trở thành một kênh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giúp người dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
- Thường xuyên thông tin, tuyên truyền về Tủ sách pháp luật; vận động, giới thiệu cho cán bộ, công chức và Nhân dân đến nghiên cứu, đọc, mượn sách, báo, tài liệu pháp luật.
- Kịp thời thông báo nội dung sách, báo, tài liệu pháp luật mới trên các bảng tin, trạm tin, loa truyền thanh, trang tin điện tử để tạo điều kiện thuận tiện cho người đọc tìm hiểu, đọc, mượn sách, báo, tài liệu pháp luật của Tủ sách pháp luật.
- Tổ chức triển lãm, giới thiệu sách, tài liệu pháp luật vào dịp tổ chức Ngày sách Việt Nam, Ngày Pháp luật 9/11, sinh hoạt Câu lạc bộ, thi tìm hiểu pháp luật hoặc sự kiện khác để nâng cao hiệu quả khai thác Tủ sách pháp luật.
- Song song thực hiện TSPL điện tử quốc gia được quy định tại Khoản 2 Điều 2 Quyết định 14/2019/QĐ-TTg về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành là tủ sách, tài liệu pháp luật được lưu giữ, quản lý dưới dạng số và được khai thác thông qua truy cập máy tính, các thiết bị điện tử và mạng viễn thông để phục vụ cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc thì các địa phương nên chăng cần căn cứ vào điều kiện kinh tế, xã hội, văn hoá tại địa bàn cần tiếp tục khai thác các tủ sách in, báo in tại các địa phương với ý tưởng xây dựng một không gian đọc sách có cách thức tổ chức gần gũi với giới trẻ, người dân giúp họ tìm về những giá trị của sách là điều hết sức cần thiết.
- Thực hiện trao đổi, luân chuyển sách, tài liệu pháp luật giữa Tủ sách pháp luật với Tủ sách tự quản ở cộng đồng và các thiết chế văn hóa - thông tin cơ sở khác trên địa bàn./.

https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2649

https://moj.gov.vn