Điều 17 và Điều 18 Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường quy định: về quyền của chủ hụi và nghĩa vụ của chủ hụi

Theo quy định trên, khi đến kỳ mở hụi (họ) mà hụi viên (thành viên) không góp hụi cho chủ hụi thì chủ hụi phải góp thay cho hụi viên và sau đó chủ hụi được quyền yêu cầu thành viên đó trả lại phần hụi mà chủ hụi đã góp thay. Tuy nhiên, Nghị định không quy định việc chủ hụi có được quyền yêu cầu hụi viên đã hốt hụi giao lại phần hụi chết khi chủ hụi chưa thực hiện việc góp hụi thay cho hụi viên hay không? Thực tế xét xử có hai trường hợp xảy ra như sau:

Ví dụ: Vào ngày 01/12/2019 bà C có mở hụi do bà làm chủ, có 25 chưng, loại hụi 5.000.000đ/tháng, bà D tham gia 01 chưng hụi. Bà D hốt hụi đầu tiên, bà C đã chung hụi đầy đủ, tính từ ngày hốt hụi đến ngày mãn hụi (ngày 01/12/2021) thì bà D còn phải đóng 24 lần hụi chết. Tuy nhiên, bà D không đóng hụi chết cho bà C, bà C đã đóng thay cho bà D đến ngày 01/6/2020, là 06 lần x 5.000.000đ = 30.000.000đ. Còn lại 18 lần x 5.000.000đ = 90.000.000đ, do chưa tới kỳ mở hụi (diễn ra từ ngày 09/7/2020 đến ngày mãn hụi ngày 09/12/2021), nên bà C chưa đóng thay cho bà D trong các lần này. Bà C khởi kiện yêu cầu bà D trả cho bà toàn bộ số tiền 120.000.000đ (bao gồm, 30.000.000đ là số tiền mà bà C đã đóng thay và 90.000.000đ là số tiền mà bà C sắp đóng thay cho bà D). Tòa án xét xử vào ngày 02/6/2020.

- Quan điểm thứ nhất: Đối với số tiền 30.000.000đ, do bà C đã đóng hụi thay cho bà D với số tiền 30.000.000đ nên buộc bà D có trách nhiệm hoàn trả cho bà C. Riêng đối với số tiền 90.000.000đ, do bà C chưa thực hiện việc đóng hụi thay cho bà D (vì thực tế các kỳ hụi 01/7/2020 đến ngày 01/12/2021 chưa diễn ra nên quyền và lợi ích của bà C chưa bị ảnh hưởng) do đó không có cơ sở chấp nhận yêu cầu này.

- Quan điểm thứ hai: Đối với số tiền 30.000.000đ thì chấp nhận như quan điểm thứ nhất. Đối với số tiền 90.000.000đ, mặc dù các kỳ hụi chưa diễn ra và bà C chưa đóng thay cho bà D nhưng trước sau gì bà D cũng phải đóng hụi cho bà C số tiền này. Mặt khác, trước đó bà D đã nhiều lần vi phạm nghĩa vụ đóng hụi cho bà C, dẫn đến bà C phải bỏ tiền ra đóng thay cho bà D, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bà C. Do đó, cần chấp nhận yêu cầu của bà C, buộc bà D trả số tiền 90.000.000đ (hình thức trả một lần).

- Quan điểm thứ ba: Đối với số tiền 30.000.000đ thống nhất như quan điểm thứ nhất. Đối với số tiền 90.000.000đ, do chưa đến kỳ mở hụi nên C chưa đóng thay cho D, tuy nhiên nếu C phải đợi đến khi C thực hiện đóng hụi thay cho D hoặc đến khi hụi mãn, C mới được khởi kiện tiếp 90.000.000 đồng nữa thì dẫn đến việc mất chi phí đi lại khởi kiện, thụ lý, giải quyết thêm một vụ kiện khác làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của C. Ngược lại, nếu buộc D phải trả một lần cho C số tiền 90.000.000đ, lại làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của D vì hụi được giao kết bằng hình thức đóng hụi hàng tháng ở mỗi kỳ mở hụi. Do đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của hai bên đương sự, cần chấp nhận yêu cầu của C, buộc D có trách nhiệm mỗi tháng (vào ngày 01 của kỳ mở hụi hàng tháng) trả cho C số tiền 5.000.000đ cho đến khi trả đủ số tiền 90.000.000đ.

Theo chúng tôi, thống nhất với quan điểm thứ ba. Tuy nhiên, khi áp dụng pháp luật thì mỗi Thẩm phán, Kiểm sát viên, Trợ giúp pháp lý và Luật sư lại có những quan điểm khác nhau dẫn đến quan điểm giải quyết đối với các vụ án này cũng khác nhau. Thiết nghĩ, trong thời gian tới các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn cách giải quyết đối với các vụ án tranh chấp hợp đồng góp hụi để áp dụng thống nhất./.

Võ Bé Năm