1. Phân tích đánh giá nội dung, điều kiện hoàn cảnh sự kiện thực tế cần áp dụng pháp luật 

Phân tích đánh giá nội dung, điều kiện hoàn cảnh sự kiện thực tế cần áp dụng pháp luật, đây là giai đoạn khởi đầu có tính chất bản lề. Trước hết, cần xác định đúng nội dung, đối tượng, bản chất pháp lý của sự kiến thực tế đó. Nếu cần áp dụng pháp luật thì làm rõ chủ thể nào có thẩm quyền giải quyết sự việc đó. Tiếp theo về mặt tổ chức, nhân sự,…; xác định thuận lợi khó khăn nhưng nhìn chung hướng đến sự thuận lợi, tiết kiệm chi phí, thời gian đạt hiệu quả cao nhất.

2. Lựa chọn quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý cho việc đưa ra các quyết định áp dụng pháp luật 

Về nguyên tắc phải chọn quy phạm pháp luật còn hiệu lực và sát thực với nội dung sự kiện. Tiếp đó phân tích nội dung quy phạm đã chọn. Trên thực tế, việc lựa chọn quy phạm có thể xảy ra các khả năng sau:

- Có một quy phạm pháp luật đáp ứng đủ yêu cầu, việc này sẽ rất thuận lợi khi áp dụng.

- Có hai hay nhiều quy phạm pháp luật cùng điều chỉnh quan hệ đó nhưng cách giải quyết khác nhau, trường hợp xung đột pháp luật có thể lựa chọn quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn và được ban hành sau.

- Không có quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý cho việc áp dụng pháp luật với sự kiện đó: áp dụng pháp luật tương tự.

3. Đưa ra quyết định áp dụng pháp luật

- Đưa ra quyết định áp dụng pháp luật: đây là giai đoạn phản ánh kết quả thực tế quá trình áp dụng pháp luật. Về bản chất đây là giai đoạn chuyển hoá những quy định chung được nêu trong quy phạm pháp luật thành quyết định cụ thể, cá biệt. 

- Văn bản áp dụng pháp luật là những văn bản do cơ quan nhà nước hoặc cá nhân có thẩm quyền ban hành theo một trình tự, thủ tục, tên gọi luật định, chứa nhũng quy tắc xử sự cá biệt, cụ thể và được thực hiện một lần trong đời sống pháp lý.

- Do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành.

- Trình tự thủ tục, hình thức, tên gọi văn bản áp dụng pháp luật và được pháp luật quy định.

- Được thực hiện một lần đối với chủ thể có liên quan.

- Đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp nhà nước.

4. Tổ chức thực hiện quyết định áp dụng pháp luật trên thực tế

Là giai đoạn cuối của quá trình áp dụng pháp luật. Cần tiến hành hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực thi các quyết định áp dụng pháp luật với các chủ thế liên quan để đảm bảo hiệu lực của nó trên thực tế.

* Áp dụng pháp luật có vai trò bảo đảm quyền tự do, dân chủ của công dân; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người dưới chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; gìn giữ "kỷ cương, phép nước" trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến các quan hệ xã hội xã hội chủ nghĩa mà pháp luật bảo vệ đều được xem xét, xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật./.

Hứa Nguyên