Nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong ngành Tư pháp, đặc biệt là của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước và các địa phương; tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư công được giao, bảo đảm đạt hoặc vượt tiến độ, an toàn, đúng quy định của pháp luật, tiết kiệm, chống lãng phí.

Thông qua Phong trào thi đua, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm, hành động của công chức, viên chức, người lao động, tạo sự đồng thuận và huy động sức mạnh của toàn Ngành trong việc tham gia xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, hiện đại và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phong trào thi đua phải được triển khai sâu rộng, thiết thực, hiệu quả tại cơ quan, đơn vị trong toàn Ngành với nội dung đa dạng, hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện thực tiễn của mỗi cơ quan, đơn vị; phát huy tinh thần chủ động, đề cao tính đổi mới, cách làm sáng tạo trong thực hiện Phong trào thi đua của từng cơ quan, đơn vị, trên cơ sở bám sát các yêu cầu, nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp tại Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc Ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025.

Thực hiện tốt công tác đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết và kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong triển khai thực hiện Phong trào thi đua. Nội dung thi đua phải được lượng hóa tối đa thành các tiêu chí thi đua cụ thể để dễ thực hiện và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện.

Thi đua nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, bảo đảm phù hợp, ổn định, bình đẳng, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, tạo đột phá theo phương châm: chính sách phải phục vụ sự phát triển, tạo điều kiện cho phát triển. Thi đua nâng cao năng lực, hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tiễn thực thi chính sách, pháp luật về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng. Thi đua đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng, bảo đảm hoạt động đầu tư đúng quy định của pháp luật, hiệu quả, chất lượng và cân bằng lợi ích của các chủ thể. 

Thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thi đua điều hành dự toán ngân sách nhà nước, bảo đảm chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách; thực hiện triệt để tiết kiệm từ khâu lập dự toán, phân bổ, sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước trên tất cả nội dung chi, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Thi đua đẩy mạnh triển khai thi hành hiệu quả Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư, mua sắm, quản lý sử dụng tài sản công, đảm bảo đúng mục đích, đối tượng, định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Thi đua nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản có liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thi đua ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực công tác phục vụ chuyển đổi số trong ngành Tư pháp; triển khai thực hiện tốt Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và công khai việc xử lý vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi quản lý.

Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”; duy trì mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp thông qua các diễn đàn đối thoại để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho danh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác quản lý đầu tư công trong Bộ, ngành Tư pháp:

Công khai, minh bạch thông tin và tăng cường giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư công; chủ động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh để thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn. Có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm,gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Kịp thời thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí, gắn với tăng cường trách nhiệm của các đơn vị, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn lực tài chính công. Cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là chi mua sắm công, đi công tác trong và ngoài nước, sử dụng xe ô tô công, tổ chức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, khảo sát, tiết kiệm điện, xăng dầu,... để dành nguồn tăng chi các nhiệm vụ cấp bách khác. Tiết kiệm văn phòng phẩm, điện, nước và các khoản chi khác để tạo nguồn kinh phí tiết kiệm hành chính, tăng thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn, định mức về quản lý, sử dụng tài sản công làm cơ sở lập kế hoạch, dự toán, quản lý, bố trí sử dụng, xử lý tài sản công theo đúng quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các đơn vị thuộc Bộ; kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm.

Thường xuyên rà soát, đánh giá việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản nội bộ có liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung. Tích cực tham gia phối hợp xây dựng, tổ chức thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đối tượng thi đua:cCác đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp và các Cơ quan Thi hành án dân sự địa phương. Công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp và các Cơ quan Thi hành án dân sự địa phương.

Khen thưởng hàng năm: Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư Pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định tặng Giấy khen cho các tập thể, cá nhân thuộc đơn vị mình có thành tích, đóng góp tích cực trong thực hiện Phong trào thi đua.

Khen thưởng sơ kết, tổng kết:Huân chương Lao động; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Giấy khen của Thủ trưởng các đơn vị thuộc ngành Tư pháp.

Phong trào thi đua được triển khai tổ chức thực hiện từ năm 2023 đến năm 2030, chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ 2023 - 2025): Ban hành Kế hoạch triển khai và hướng dẫn thực hiện trong Quý III năm 2023; Tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm ở các cơ quan, đơn vị và trong toàn Ngành trong năm 2025. Giai đoạn 2 (từ 2026 - 2030): Trên cơ sở đánh giá kết quả việc thực hiện Giai đoạn I, tiếp tục triển khai Giai đoạn 2 của Phong trào thi đua và tổng kết vào năm 2030.

Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm: Xây dựng Kế hoạch, các tiêu chí thi đua cụ thể, gửi về Thường trực Thi đua - Khen thưởng ngành Tư pháp (Vụ Tổ chức cán bộ) chậm nhất trước ngày 30/9/2023. Hướng dẫn, triển khai, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đảm bảo nội dung, chất lượng và tiến độ; xử lý vi phạm và công khai việc xử lý vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi lĩnh vực quản lý của đơn vị.

Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ nội dung của Kế hoạch này và Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua do UBND cùng cấp phát động để xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tiễn của các cơ quan, đơn vị.

Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, giúp Bộ trưởng, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Tư pháp tổ chức thực hiện Kế hoạch này; theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch; rà soát, phát hiện và đề xuất khen thưởng, biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua.

                                                        Thanh Tòng