Quang cảnh buổi tọa đàm

Tham dự buổi tọa đàm có trên 50 đại biểu là đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo; đại diện lãnh đạo Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo; đại diện Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp; đại diện phòng Tư pháp các huyện, thành phố Cà Mau; đại diện phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố Cà Mau; lãnh đạo và một số giáo viên dạy môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Pháp luật đại cương tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu phát biểu tại buổi tọa đàm

Sau khi nghe đại diện Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật trình bày khái quát một số kết quả khảo sát công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường đã được Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phối hợp với Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện trong thời gian qua, nhiều đại biểu tham dự tọa đàm đã có những chia sẻ, đánh giá khách quan về nội dung giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo cho giáo viên, học sinh về các môn học: Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật đang sử dụng giảng dạy và sự phù hợp, khả thi với khả năng của người học; đánh giá về chất lượng của các giảng viên, giáo viên dạy các môn học trên; thông tin về kết quả hoạt động giáo dục pháp luật, các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật ngoài giờ lên lớp được triển khai trong nhà trường; mô hình hay, cách làm hiệu quả; nhận diện các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; đề xuất, kiến nghị để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường.

Bà Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau đánh giá về công tác phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau đánh giá: “Thời gian qua, công tác phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật giữa Sở Tư pháp với Sở Giáo dục và Đào tạo được thực hiện thường xuyên, với nhiều hình thức phong phú như: PBGDPL trực tiếp cho học sinh, qua mạng xã hội, qua các cuộc thi  trực tuyến tìm hiểu pháp luật… đã thu hút đông đảo lực lượng giáo viên học sinh tham gia. Từ đó, đã góp phần phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan đến với đội ngũ giáo viên và học sinh trên địa bàn tỉnh. Nhất là thông qua cuộc thi tìm hiểu pháp luật, cũng nhằm khơi dậy ý thức tự nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của giáo viên, hình thành thói quen, sự yêu thích nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật để trang bị kiến thức pháp luật và vận dụng, lồng ghép đưa pháp luật vào các bài giảng, truyền tải các quy định pháp luật đến với học sinh”.

Đại biểu tham gia ý kiến tại buổi tọa đàm

Phát biểu tại buổi tọa đàm, một số giáo viên giảng dạy môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật cho thấy hoạt động phổ biến giáo dục pháp cho học sinh, sinh viên chủ yếu là lồng ghép và vẫn còn có mặt hạn chế. Các hoạt động giáo dục pháp luật tổ chức còn thiếu hấp dẫn và hiệu quả chưa cao. Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động ngoại khoá ngoài nhà trường chưa thực sự hiệu quả. Đội ngũ giáo viên dạy môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Pháp luật đại cương tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh chưa được tập huấn thường xuyên về nghiệp vụ, kỹ năng phổ biến pháp luật. Nội dung giáo dục pháp luật còn nặng về việc phổ biến các quy định của pháp luật, chưa chú trọng đến việc hướng học sinh, sinh viên rèn luyện kỹ năng ứng xử, kỹ năng vận dụng pháp luật vào giải quyết các tình huống thực tiễn cuộc sống.

Nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường được đại biểu trình bày thẳng thắn tại buổi tọa đàm

Ngoài ra, các đại biểu còn cho rằng, kiến thức lĩnh vực Kinh tế và Pháp luật trong sách giáo khoa Giáo dục công dân khá rộng, đòi hỏi giáo viên phải tìm nhiều nguồn để đáp ứng kiến thức giảng dạy. Môn học này được học sinh xem là môn học phụ nên ít quan tâm hơn so với những môn khác. Đại biểu tham dự tọa đàm đề xuất nên xem xét đưa Môn học Giáo dục kinh tế và pháp luật vào danh mục môn thi học sinh giỏi và đưa môn này vào tổ hợp các môn xét tuyển đại học, cao đẳng. Đại biểu đề xuất cần mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân.

Ông Tạ Thanh Vũ, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau đề xuất các cơ quan chức năng quan tâm nghiên cứu xây dựng phần mềm phổ biến, giáo dục pháp luật

Ông Tạ Thanh Vũ, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau đề nghị: “Cần quan tâm tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ này, nhất là đối với đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học Giáo dục kinh tế và pháp luật theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; đề xuất các cơ quan chức năng quan tâm nghiên cứu xây dựng phần mềm phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với xu thế chuyển đổi số hiện nay, góp phần cấp thông tin, tài liệu phục vụ việc dạy và học môn học pháp luật; tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật cho đối tượng là học sinh tham gia; quan tâm đầu tư nguồn lực, kinh phí cho công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường nói riêng và công tác PBGDPL nói chung”.

Bà Tô Thị Thu Hà, Trưởng phòng Phòng Truyền thông chính sách, Phổ biến, giáo dục pháp luật - Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu kết thúc buổi tọa đàm

Sau khi lắng nghe, tiếp thu và tổng hợp các ý kiến trao đổi tại buổi tọa đàm, đại diện Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp, bà Tô Thị Thu Hà, Trưởng phòng Phòng Truyền thông chính sách, Phổ biến, giáo dục pháp luật đánh giá cao các ý kiến góp ý, thảo luận của các đại biểu tham dự. Trên cơ sở kết quả tọa đàm này, Cục Phổ biến, giáo dục pháp sẽ hoàn thiện dự thảo báo cáo khảo sát, đánh giá công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường, tham mưu trình Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp trung ương trong thời gian tới./.

Phú Toàn