Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Cà Mau đã thực hiện TGPL 516 vụ, việc; trong đó, tư vấn pháp luật 297 vụ, tham gia tố tụng 217 vụ; đại diện ngoài tố tụng 02 vụ. Ngoài ra, còn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền pháp luật qua nhiều hình thức như: tờ rơi, tờ gấp, thông qua kênh truyền thông trên Trạm truyền thanh cấp xã, tập trung vào các vấn đề được người dân quan tâm như: lĩnh vực đất đai, khiếu nại, tố cáo, hình sự, dân sự, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; các chính sách xã hội cho người nghèo, người khuyết tật... góp phần bảo vệ quyền, lợi ích cho các đối tượng, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật và khiếu nại, tố cáo.

(Công chức, viên chức Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Cà Mau - ảnh tư liệu ngành ngày 28/8/2020)

Để phát huy hơn nữa những kết quả đạt được và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, trong những tháng cuối măm 2021. Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Cà Mau sẽ tập trung thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp trọng tâm theo hướng đổi mới toàn diện phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trên tất cả các mặt hoạt động. Trong đó, có các nhóm giải pháp cơ bản như:

Tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đối với đội ngũ viên chức; kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc và điều chỉnh cho phù hợp, phát huy tối đa nguyên tắc công khai, dân chủ, khách quan tạo sự đồng thuận. Bố trí viên chức theo Đề án vị trí việc làm đảm bảo mỗi địa bàn huyện có 02 viên chức thực hiện công tác TGPL.

Đổi mới phương pháp, hình thức, nội dung, cách thức thể hiện… phù hợp với điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19, phát huy tối đa hiệu quả hoạt động truyền thông thông qua các kênh truyền thông trên Trạm truyền thanh cấp xã; Đài truyền thanh cấp huyện và chuyên mục trên Báo Cà Mau online và hình thức truyền thông khác phù hợp từng nhóm đối tượng. Biên soạn, in ấn và phát hành tờ gấp pháp luật để cấp phát miễn phí góp phần nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân, khuyến khích, động viên viên chức đơn vị tích cực tham gia viết tin, bài phản ánh hoạt động TGPL đăng tải trên các báo, Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp và Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh.

Phân công Trợ giúp viên pháp lý thực hiện vụ việc TGPL theo hướng đa chiều, đa lĩnh vực, đảm bảo chỉ tiêu tối thiểu, hạn chế tình trạng gợi ý lựa chọn Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện TGPL; đổi mới phương pháp thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật theo hướng thường xuyên, đúng thực chất có giải pháp khắc phục, rút kinh nghiệm chung. Đề cao tinh thần chủ động của Trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động xây dựng mối quan hệ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, chính quyền địa phương trên tinh thần hợp tác, hỗ trợ; báo cáo, phản ánh các cơ quan, đơn vị khi phát hiện những vấn đề không phù hợp cần chấn chỉnh nhầm tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động TGPL; lựa chọn một số vụ án, vụ việc tham gia giám sát đánh giá chất lượng chuyên môn nghiệp vụ và rút kinh nghiệm chung.

Trong theo dõi, đánh giá cán bộ sẽ cập nhật đầy đủ, kịp thời danh mục nhiệm vụ được giao; xác định thời gian giao, thời gian hoàn thành, nhiệm vụ chủ động thực hiện để theo dõi, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng viên chức làm cơ sở đánh giá, xếp loại định kỳ và năm bảo đảm đúng thực chất. Nêu cao tính chủ động trong nghiên cứu, tự học, tự trau dồi kiến thức, kỹ năng nâng cao chất lượng TGPL, hướng đến mục tiêu chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu mới; hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng danh nghĩa Trợ giúp viên pháp lý để xúi giục, hướng dẫn, kích động khiếu nại, tố cáo gây mất ổn định tình hình, thực hiện nghiêm, triệt để trách nhiệm, đạo đức, uy tín nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp theo quy tắc nghề nghiệp, các chuẩn mực về hành vi, ứng xử theo Thông tư số 03/2020/TT-BTP ngày 28/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Trợ giúp viên pháp lý được phân công hướng dẫn viên chức tập sự phải tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ bồi dưỡng kiến thức pháp luật, các kỹ năng cần thiết cho việc thực hiện TGPL, quy tắc nghề nghiệp TGPL. Báo cáo kết quả hướng dẫn viên chức tập sự theo kỳ 6 tháng, năm làm cơ sở lãnh đạo Trung tâm TGPL nhà nước xem xét đánh giá khi kết thúc thời gian tập sự. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý; cập nhật 100% vụ việc trợ giúp pháp lý phát sinh, nhân sự và các thông tin khác lên Hệ thống quản lý, đẩy mạnh thực hiện các thủ tục hành chính.

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng TGPL; pháp luật đất đai về thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng, cưỡng chế thu hồi đất cho đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện TGPL là tiền đề thực hiện thí điểm mô hình trợ TGPL đối với một số dự án, trước khi triển khai thực hiện những hộ dân chịu sự tác động trong vùng dự án đều được tiếp cận thông tin về thể chế, chính sách quy định liên quan đến hoạt động thu hồi đất, đền bù, giải phóng mắt bằng, cưỡng chế thu hồi đất cho người dân, hỗ trợ và tạo điều kiện để các đơn vị triển khai thực hiện dự án, hạn chế phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Với mục tiêu đổi mới hoạt động TGPL năm 2021 là tiền đề quan trọng để công tác TGPL trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa với chất lượng ngày càng nâng lên, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội và Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Cà Mau trở thành một địa chỉ đáng tin cậy và là chỗ dựa vững chắc cho nhóm người yếu thế trong xã hội được thụ hưởng từ hoạt động đầy tính nhân văn này./.

Bài: Phạm Quốc Sử

Ảnh: Hứa Nguyên