(Tập thể giáo viên Trường THPT Đầm Dơi - cầu nối đưa pháp luật đi vào cuộc sống)

Hàng năm, căn cứ vào Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” giai đoạn 2017-2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Cà Mau, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã chủ động trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động và học sinh trong nhà trường. Ngoài ra, Trường THPT Đầm Dơi còn lồng ghép nội dung Kế hoạch công tác PBGDPL hằng năm vào các văn bản chỉ đạo về hoạt động chuyên môn của nhà trường trong năm học.

Đối với các quy định pháp luật mới về GD&ĐT và các quy định pháp luật phù hợp với từng đối tượng thuộc phạm vi chức năng quản lý của nhà trường luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu chỉ đạo tổ chức thực hiện kịp thời, thường xuyên. Bên cạnh đó, công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về GD&ĐT, các văn bản chỉ đạo của ngành được tăng cường; các Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học của ngành Giáo dục, của Sở GD&ĐTcũng được quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc.

Nhà trường còn quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng PBGDPL cho đội ngũ giáo viên môn giáo dục công dân và giáo viên phụ trách công tác PBGDPL thông qua hoạt động sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt tổ chuyên môn trong nhà trường. Ngoài ra, nội dung phòng, chống tham nhũng theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ cũng được lồng ghép với nội dung giảng dạy môn Giáo dục công dân mang lại hiệu quả cao.

Theo mục tiêu của Đề án, hằng năm có 100% các nhà trường đều triển khai PBGDPL theo hoạt động ngoại khóa. Theo đó, Trường THPT Đầm Dơi thường xuyên lồng ghép nội dung giáo dục pháp luật với nội dung, chương trình ngoại khóa hàng tháng với thời lượng 01 buổi (4 tiết)/lớp. Và, mỗi năm có có trên 30 buổi sinh hoạt ngoài khóa được tổ chức với hơn 1.900 lượt học sinh nhà trường tham dự. Các nội dụng thường xuyên được tập trung tuyên truyền, phổ biến như: Pháp luật về an toàn giao thông; phòng chống ma túy, HIV/AIDS; vệ sinh, an toàn thực phẩm; phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, bạo lực học đường; Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan đến trẻ em; phòng chống xâm hại tình dục, phòng chống thương tích cho trẻ em; Quy tắc ứng xử nơi công cộng… Qua đó, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động và học sinh.

Xác định giáo dục pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật đối với học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, do đặc thù nội dung pháp luật thường khô khan, dễ gây nhàm chán, nên nhà trường thường xuyên thực hiện đổi mới phương pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy kiến thức môn giáo dục công dân, giáo dục pháp luật trong chương trình chính khóa với nội dung sinh hoạt chuyên đề. Đồng thời, việc giảng dạy và học tập pháp luật được gắn với việc giáo dục rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh nhằm củng cố kiến thức pháp luật đã học trong chương trình, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong tìm hiểu kiến thức pháp luật và vận dụng pháp luật trong xử lý tình huống thực tế. Qua đó, đã nâng cao ý thức trách nhiệm công dân trong tuân thủ và chấp hành pháp luật.

Bên cạnh đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường THPT Đầm Dơi còn chỉ đạo duy trì và thường xuyên cập nhật, bổ sung, nâng cao chất lượng tủ sách pháp luật và các phương tiện, thiết bị, tài liệu, học liệu hỗ trợ công tác PBGDPL của nhà trường. Nhà trường còn phát động phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm, làm đồ dùng dạy học, sưu tầm hình ảnh, tư liệu phục vụ công tác PBGDPL trong chương trình chính khóa và ngoại khóa, thiết bị dạy học môn giáo dục công dân, pháp luật.

Ngoài việc PBGDPL cho đối tượng người học, Đảng ủy, Ban Giám hiệu còn chú trọng đến việc trang bị kiến thức pháp luật cho người dạy và những người làm công tác quản lý. Theo đó, từ năm 2017 tới nay, tất cả các các văn bản pháp luật mới ban hành, đặc biệt là Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Giáo dục và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; những văn bản pháp luật về cải cách hành chính, hỗ trợ khởi nghiệp, phòng chống tham nhũng, lãng phí; bảo vệ môi trường; quy định mới về điều kiện đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đều được triển khai, quán triệt và phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động.

Thông qua các cuộc tập huấn chuyên môn cho giáo viên đã tham mưu thực hiện lồng ghép triển khai, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ giáo viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế tại của nhà trường. Hằng năm, tùy vào điều kiện thực tế sẽ tổ chức 02 đợt tập huấn bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến cho toàn bộ cán bộ, giáo viên Giáo dục công dân của trường; Xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá nội dung pháp luật trong môn Giáo dục công dân theo định hướng phát triển năng lực học sinh cho giáo viên môn Giáo dục công dân; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác giáo dục dận tộc. Đẩy mạnh, đa dạng hoá các hình thức PBGDPL; cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục, các văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT và Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Trang Thông tin điện tử của Sở GD&ĐT.

Với nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai thực hiện, đến nay việc dạy và học pháp luật, công tác PBGDPL của Trường THPT Đầm Dơi đã đi vào nề nếp và đạt nhiều kết quả tốt. Đội ngũ học sinh nhà trường được trang bị những kiến thức pháp luật cơ bản và những kỹ năng cần thiết để hiểu và thực hiện tốt pháp luật ngay từ khi còn đang ngồi học trên ghế nhà trường, giảm thiểu những hành vi vi phạm, lệch chuẩn ở lứa tuổi vị thành niên. Ðồng thời biết bảo vệ mình trước môi trường mạng, trước các hành vi bạo lực, xâm hại; xây dựng, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật; nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành và bảo vệ pháp luật vì mục tiêu phát triển toàn diện./.

Phú Toàn