Thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai chiến lược vắc-xin, bổ sung thêm thuốc điều trị. Tuy nhiên, đây là công việc có khối lượng, quy mô lớn, lại tiến hành trong thời gian ngắn, chưa có tiền lệ nên có khó khăn, lúng túng. Chính phủ đã tổ chức cuộc họp về thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị COVID-19 trong nước và nhập khẩu vắc-xin, thuốc điều trị COVID-19. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, đến ngày 15/12 phải cơ bản tiêm xong mũi 2 cho người 18 tuổi trở lên; tính toán, xác định đối tượng cần phải tiêm mũi 3; tính toán khi nào hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, khi nào bắt đầu tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi.

Căn cứ kết luận, chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Tiểu ban Truyền thông Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 Quốc gia ban hành Kế hoạch số 35/KH-TBTT ngày 06/12/2021 truyền thông phòng, chống dịch với thông điệp “Vắc-xin an toàn, ứng phó linh hoạt, khoa học và chủ động vói biến thể mới” (từ ngày 07/12 đến ngày 14/12/2021) với các nội dung như sau:

Đối với Bộ Y tế (Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19):

- Chủ động cung cấp thông tin về những diễn biến mới, kèm theo những lý giải, phân tích giữa tình hình dịch bệnh trong nước và tình hình dịch bệnh trên thế giới để người dân có cái nhìn tổng thể về mức độ kiểm soát dịch bệnh ở Việt Nam, kế hoạch hoàn thành tiêm mũi 2 cho người 18 tuổi trở lên, tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên; dự kiến xác định đối tượng cần phải tiêm mũi 3 và kế hoạch tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi với loại vắc-xin nào.

- Theo dõi sát và chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch ở các địa phương thông tin để người dân hiểu và không hoang mang trước biến thể mới và tình hình gia tăng số ca nhiễm mới tại địa phương.

Đối với các cơ quan báo chí:

- Tiếp tục truyền thông sâu rộng quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để cài đặt thói quen “bình thường mới” vào tiềm thức hàng ngày của từng người, thống nhất nhận thức trong những biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, vắc-xin, thuốc điều trị và ý thức của người dân có tính chất cơ bản, quan trọng, đặc biệt là trong tình hình xuất hiện biến thể mới.

- Truyền thông thống nhất và có trách nhiệm các quan điểm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trước tình hình xuất hiện biến thể mới Omicron; các địa phương cần chủ động đánh giá mức độ nguy cơ sát thực tế để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù họp, không gây ách tắc, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

- Truyền thông có điểm nhấn về những nỗ lực, giải pháp “phục hồi và phát triển bền vững”, tìm kiếm một không gian, một dư địa mới để đẩy nhanh tiến độ phục hồi và phát triển bền vững.

- Việc học sinh đi học trở lại là mong đợi của phụ huynh, học sinh và các thày, cô giáo. Tuy nhiên trong tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng cao, rải rác ở nhiều địa bàn thì một số tỉnh, thành phố lại quyết định cho học sinh trở lại trường, đa số phụ huynh lo lắng khi con em mình chưa được tiêm, hoặc chưa tiêm đủ liều vắc-xin phòng COVID-19 và ý thức phòng dịch chưa cao, nên dư luận đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều.

- Báo chí, truyền thông cần có phân tích trên cơ sở khoa học về vấn đề này để phụ huynh yên tâm về mặt thể chất; việc cách ly (nếu có) phải không ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của học sinh và gia đình, nhất là đối với học sinh còn trong độ tuối phải có người giám hộ. Một số lớp học, sẽ khó khăn cho giáo viên đồng thời vừa dạy trực tiếp vừa kết nối trực tuyến. Còn nếu gom học sinh học trực học trực tuyến vào lớp riêng sẽ phá vỡ tổ chức lóp học,... Nếu phải thực hiện thì cần chuẩn bị kỹ, chứ không thể thực hiện luôn vào ngày 6/12.

- Tiếp tục tuyên truyền thống nhất triển khai ứng dụng PC-COVID, ứng dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ khai báo y tế và kiểm soát đi lại giữa các địa phương để người dân di chuyển thuận lợi, không để ách tắc lưu thông hàng hóa, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

 

                                                                               Ngọc Phạm