(Làng nghề bánh phồng tôm ở Cà Mau tại xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn - nguồn dantocmiennui.vn)

Nhằm bảo tồn và phát triến nghề, làng nghề giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống; chú trọng phát triển làng nghề phù hợp thế mạnh của tỉnh, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, góp phần thúc đấy phát triến kinh tế - xã hội nông thôn bền vững. Ngày 9/5/2023 UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Cà Mau giai đoạn 2023 – 2030.

Theo đó đề ra mục tiêu cụ thể, đến năm 2025: Khôi phục, bảo tồn và phát triển 15 làng nghề (bao gồm các làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh); Trên 50% làng nghề hoạt động có hiệu quả; 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; Có ít nhất 20% làng nghề có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Thu nhập bình quân của lao động tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

Mục tiêu đến năm 2030: Tiếp tục duy trì, bảo tồn các làng nghề đã có và khôi phục, phát triển 08 làng nghề trên địa bàn tỉnh; Trên 70% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; 100% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; Có ít nhất 50% làng nghề có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình OCOP; Thu nhập bình quân của lao động tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2025; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

Để đạt mục tiêu trên Kế hoạch đã đề ra một số giải pháp như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thông tin, tuyên truyền; Quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu, hạ tầng phục vụ làng nghề; Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng liên kết chuỗi giá trị; Phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi và đào tạo nâng cao năng lực nghệ nhân, thợ giỏi và nguồn nhân lực phục vụ phát triển làng nghề; Bảo tồn nghề, làng nghề truyền thống và phát triển nghề, làng nghề mới; Chuyển giao khoa học công nghệ, cải thiện điều kiện sản xuất và bảo vệ môi trường làng nghề; Hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các làng nghề tham gia Chưong trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; Triển khai thực hiện các chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề./.

Hứa Nguyên