Mục đích của Kế hoạch nhằm thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân; các nhiệm vụ theo quy định của Luật PBGDPL; Luật Hòa giải ở cơ sở; Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đổi mới cách thức tổ chức thực hiện góp phần đưa công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ngày càng hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của người dân và xã hội đi đến mục tiêu nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ, châp hành pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân; Đa dạng hóa các hình thức PBGDPL; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết chặt chẽ với hoạt động chuyển đổi số, từng bước đổi mới công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Tại Kế hoạch đã đề ra 11 nhiệm vụ cụ thể trong công tác PBGDPL bao gồm: Tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Luật PBGDPL năm 2012 và các văn bản có liên quan; Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật trọng tâm là các lĩnh vực: cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, hỗ trợ khởi nghiệp, khiếu nại, tố cáo, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông đường bộ; vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; Phát huy tối đa các hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh; Phổ biến, giáo dục pháp luật cho một số đối tượng đặc thù; Triển khai công tác PBGDPL trong nhà trường; triển khai thực hiện công tác PBGDPL liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài; Phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng...

Đối với công tác hòa giải ở cơ sở: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; tiếp tục bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho Hòa giải viên bằng nhiều hình thức (trực tuyến, trực tiếp, cung cấp tài liệu…); thực hiện xây dựng mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở để nhân rộng thực hiện.

Đối với công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg; Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn, kịp thời tham mưu có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh; Thực hiện thẩm định kết quả thực nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022, năm 2023 theo quy định pháp luật; tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành các giải pháp nhằm cải thiện, thúc đẩy, đảm bảo các tiêu chí tiếp cận pháp luật tại xã, phường, thị trấn, đặc biệt tại các xã còn khó khăn.

Sở Tư pháp được giao Chủ trì, hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch này./.

Hứa Nguyên