(Xe tuyên truyền lưu động về ý nghĩa Ngày Pháp luật trên các tuyền đường chính của thành phố Cà Mau)

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chương trình, kế hoạch PBGDPL nói chung và các nội dung hưởng ứng Ngày Pháp luật năm nay phải thay đổi hình thức thực hiện. Mặc dù khó khăn, nhưng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện cũng đã linh hoạt, sáng tạo thực hiện với nhiều nội dung, hình thức phù hợp, đảm bảo mục đích, ý nghĩa tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Tùy vào tình hình thực tế, từng địa phương đã lựa chọn cách tuyên truyền phù hợp. Trong thời gian hưởng ứng Ngày Pháp luật (tháng 10 và tháng 11/2021), thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến, các ngành, cấp cấp trong tỉnh đã tổ chức 551 hội nghị tập huấn tuyên truyền và lồng ghép tuyên truyền, PBGDPL cho 79.209 người tham dự. Nội dung, tập trung làm rõ mục đích, ý nghĩa của ngày pháp luật; vị trí, vai trò của Hiến pháp và pháp luật trong đời sống xã hội; lợi ích của việc tuân thủ pháp luật. Đồng thời, tổ chức triển khai, quán triệt nội dung các văn bản pháp luật mới và những nội dung pháp luật mà xã hội quan tâm, như: Luật phòng chống tác hại của rượu, bia; Bộ luật lao động; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan phòng, chống dịch bệnh COVID-19; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; xây dựng nông thôn mới; hòa giải ở cơ sở; bảo vệ chăm sóc trẻ em; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; cải cách thủ tục hành chính; …

Tờ gấp là loại tài liệu tuyên truyền pháp luật được biên soạn một cách ngắn gọn, rõ ràng trên khuôn khổ một tờ giấy nên dễ dàng, thuận tiện trong việc quản lý, sử dụng, là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả và phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Theo đó, các sở, ngành địa phương đã chủ động biên soạn, nhân bản, in ấn, cấp phát 339.051 tờ rơi, tờ gấp, tài liệu, sách pháp luật được cấp phát đến tận cán bộ, công chức và người dân cơ sở.

Để góp phần lan tỏa mục đích, ý nghĩa Ngày Pháp luật gắn với việc chào mừng sự kiện lớn của đất nước, trên cơ sở chủ đề, khẩu hiệu tuyên truyền do Bộ Tư pháp ban hành, Giám đốc Sở Tư pháp đã triển khai, hướng dẫn các sở, ngành địa phương lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp. Trong tuần lễ cao điểm hưởng ứng Ngày Pháp luật, toàn thực hiện treo 685 cờ, băng rôn trên các trục đường chính của thành phố Cà Mau, trung tâm các huyện; lấp đặt 36 cụm pa nô, bảng tuyên truyền pháp luật tại các trung tâm xã, cụm dân cư, chợ,… Đồng thời, tại tất cả trụ sở làm việc của các sở, ban, ngành tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn đều treo băng rôn với nội dung tuyên truyền theo quy định của Bộ Tư pháp. Đặc biệt, điểm mới của hoạt động truyền thông Ngày pháp luật năm nay là Sở Tư pháp thực hiện tuyên truyền bằng xe lưu động trên các tuyền đường chính của thành phố Cà Mau với tần suất 02 buổi/ngày. Tổng thời lượng tuyên truyền 480 phút.

Khai thác sức mạnh của phương tiện truyền thông và công nghệ thông tin trong hoạt động PBGDPL được ngành Tư pháp nói riêng và các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp nói chung đã và đang ứng dụng mạnh mẽ. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay thì hình thức tuyên truyền này lại càng hữu ích và trở thành công cụ quan trọng để đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Chỉ tính riêng trong 02 tháng cao điểm hưởng ứng Ngày pháp luật, Trang thông tin PBGDPL tỉnh đã đăng tại trên 260 tin, bài tuyên truyền, giới thiệu văn bản pháp luật mới có liên quan đến các mặt của đời sống xã hội. Trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao các huyện, thành phố đã sản xuất 287 tin, bài tuyên truyền, tư vấn pháp luật, giới thiệu các mô hình hay, cách làm hiệu quả, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện và bảo vệ pháp luật với 260 lượt phát sóng. Ngoài ra, phóng viên Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao các huyện, thành phố còn cộng tác 87 đề tài với các cơ quan Báo chí cấp tỉnh với các nội dung tuyên truyền pháp luật. Sở Tư pháp phối hợp với Đài PT-TH Cà Mau thực hiện phát sóng 48 kỳ Chuyên đề Pháp luật trên 02 làn sóng Phát thanh và Truyền hình với tổng thời lượng 720 phút; sản xuất và phát sóng 02 chương trình Tọa đàm truyền hình với chủ đề: “Chung tay phòng, chống xâm hại trẻ em”; “Quyền đời tư và an toàn thông tin cá nhân” với thời lượng 45 phút mỗi chương trình; Sở Tư pháp tự thực hiện video clip đăng trên Trang thông tin PBGDPL tỉnh về tuyên truyền Ngày pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Sở Tư pháp về các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật.

Ngoài ra, các sở, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố còn tạo banner gắn link liên kết Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh trên Trang thông tin điện tử của sở, ngành, địa phương mình; triển khai, khuyến khích công chức, viên chức, người lao động tham gia cộng tác tin, bài đăng trên Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh; tham gia các cuộc thi trực tuyến như: “Tìm hiểu pháp luật về Bầu cử”; “Tìm hiểu pháp luật về BHXH, BHYT”; “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng”; “Tìm hiểu pháp luật về Lao động và Trẻ em”; “Tìm hiểu pháp luật về An toàn giao thông và Phòng, chống tác hại của rượu bia”; “Tìm hiểu pháp luật về Quân sự và Quốc phòng”.

Với chủ đề: “Toàn ngành Tư pháp nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh; triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đổi mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm nay của tỉnh Cà Mau đã bám sát các sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh; nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, thiết thực và an toàn về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Ngày pháp luật được tổ chức là nhằm tạo bước phát triển mới trong việc nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL và cần phải xem công tác PBGDPL là nhiệm vụ thường xuyên, một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng và là nhiệm vụ thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ và tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức biết sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước và xã hội. Góp phần vào thành quả chung của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Phú Toàn