(Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Trưởng phòng, Phòng phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp – triển khai chuyên đề các quy định pháp luật về họ, hụi, biêu, phường)

Tại buổi tập huấn các đại biểu được nghe Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Trưởng phòng, Phòng phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp - báo cáo viên, giới thiệu về Nghị định số 19/2019/NĐ-CP, ngày 19 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về Họ, hụi, biêu, phường, đây là chủ đề được người dân đặt biệt quan tâm, thực tế trong những năm gần đây, hụi phát triển rất nhanh và trong thực tế một người quản lý rất nhiều dây hụi. Tình trạng vỡ hụi cũng khá phổ biến, tạo dư luận xã hội không tốt, một số nơi còn xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, tập trung đông người. Có nhiều trường hợp vỡ hụi hàng chục tỷ đồng do nhiều nguyên nhân khác nhau.

(Quang cảnh lớp tập tại UBND xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển)

Trao đổi tại buổi tập huấn các đại biểu đã bài tỏ: Theo quy định chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú, tuy nhiên trong thời gian qua thì chúng tôi chưa làm được việc này, hôm nay biết được quy định này chúng tôi sẽ thực hiện để đảm bảo quyền lợi của chủ hụi và hụi viên.

(Quang cảnh lớp tập tại UBND Đông Thới, huyện Cái Nước)

Bên cạnh chủ đề về hụi, chủ đề về phòng chống tội phạm và giải pháp phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng cũng là 1 trong những chủ đề nóng được các đại biểu quan tâm và chú ý lắng nghe. Tại buổi tập huấn, Thượng tá Nguyễn Chí Quảng, Phó trưởng phòng hình sự, Công an tỉnh - báo cáo viên, đã thông tin: theo thống kê, hàng năm, toàn quốc xảy ra khoảng 2.000 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 4% trong cơ cấu tội phạm hình sự, nhưng loại tội phạm lừa đảo này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng ngàn tỉ đồng; có vụ số người bị hại lên đến hàng chục ngàn người, hoặc một người bị chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng chỉ trong thời gian ngắn. Trên địa bàn tỉnh Cà Mau, trong 03 tháng đầu năm, riêng Phòng CSHS đã tiếp nhận xác minh 05 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, tổng số tiền thiệt hại hơn 3,5 tỷ đồng. Hiện nay có khoảng hơn 20 loại thủ đoạn lừa đảo qua không gian mạng, chủ yếu một số thủ đoạn phổ biến cụ thể như sau: Giả danh các nhà mạng; Giả danh là cán bộ Ngân hàng; Giả danh Công an, Tòa án, Cục viễn thông; Giả mạo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử; Thủ đoạn lừa đảo thông qua các sàn giao dịch trên mạng; Đối tượng sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh của các đồng chí Lãnh đạo các cơ quan chính quyền, đoàn thể, ...

Bên cạnh đó, báo cáo viên cũng khuyến cáo

- Không công khai các thông tin cá nhân như ngày tháng năm sinh, số CMND hoặc CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… lên các trang mạng xã hội để tránh các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng thủ đoạn lừa đảo, khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cần chọn lọc những thông tin có thể chia sẻ công khai.

- Cảnh giác những thông báo nhận thưởng qua mạng và các yêu cầu nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng.

- Tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội, đặc biệt là những lời hứa hẹn cho tặng số tiền lớn, những món quà đắt tiền.

- Không cung cấp mã OTP ngân hàng gửi bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.

- Không tham gia đầu tư vào các sàn chứng khoán, tiền ảo sinh lời khi không có hiểu biết về công nghệ thông tin và mạng internet.

Qua buổi tập huấn đã trang bị kiến thức về hụi cũng như trang bị kỹ năng, cảnh giác phòng, chống lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không mạng góp phần bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn dân cư./.

Hứa Nguyên