Thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông đồng bộ, công nghệ hiện đại theo định hướng chia sẻ, sử dụng chung, tích hợp quy hoạch hạ tầng viễn thông, gắn kết chặt chẽ với các hạ tầng kinh tế - xã hội vật lý và tạo ra các thực thể số tương ứng trên không gian số. Phát triển hạ tầng số (bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số, nền tảng số có tính chất hạ tầng), băng rộng, siêu rộng, phổ cập, xanh, an toàn, bền vững, mở, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Yêu cầu phát triển đến năm 2025 có 300 điểm phục vụ bưu chính. 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ. 100% số điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ có kết nối Internet, 100% số điểm phục vụ bưu chính có khả năng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Mạng băng rộng cố định đáp ứng quy chuẩn quốc gia về chất lượng dịch vụ với mục tiêu phổ cập được tới tất cả các ấp, khóm; bảo đảm 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu; với 90% người sử dụng có thể truy nhập Internet cố định, tốc độ trung bình 200 Mb/s; 90% các tổ chức kinh tế - xã hội như doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện, công sở tại khu vực thành thị có thể truy nhập Internet với tốc độ trung bình 01 Gb/s.
Mạng băng rộng di động đáp ứng quy chuẩn quốc gia về chất lượng dịch vụ, với mục tiêu tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40 Mb/s cho mạng 4G và 100 Mb/s cho mạng 5G; 100% dân số ở độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh. 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước từ tỉnh đến cấp xã được kết nối vào Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước. Tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động 5G là 20%.
Đến năm 2030 hạ tầng mạng truy cập băng rộng cố định được đầu tư, nâng cấp bảo đảm 100% người sử dụng có khả năng truy nhập với tốc độ trên 1Gb/s. Mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số, hướng tới phát triển mạng di động tiên tiến thế hệ tiếp theo.
Thúc đẩy việc triển khai chương trình “Mỗi hộ gia đình một đường cáp quang”. Đẩy mạnh đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng cố định tốc độ cao (Gb/s, Tb/s), tăng cường phát triển thuê bao băng rộng cố định FTTH tới hộ gia đình. Hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi mạng cáp đồng sang cáp quang tại các khu dân cư cũ, tăng cường mạng cáp quang khu vực đô thị, cung cấp dịch vụ truy cập với tốc độ cao, lựa chọn băng thông linh hoạt cho người dùng hộ gia đình và các thành phố với tốc độ trên 200 Mb/s.
Bảo đảm tất cả người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh được thu, xem các kênh chương trình truyền hình thiết yếu phát sóng trên hạ tầng truyền hình số mặt đất và từ vệ tinh. Triển khai các phương thức phát thanh, truyền hình trên mạng Internet, các ứng dụng trên các thiết bị di động thông minh... nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của đông đảo khán thính giả trong nước, quốc tế.
Hình thành trung tâm dữ liệu quy mô lớn, theo tiêu chuẩn xanh, bám sát quy hoạch vùng năng lượng; bảo đảm các trung tâm dữ liệu được kết nối đồng bộ, dữ liệu liên thông và có khả năng dự phòng lẫn nhau, thúc đẩy phát triển công nghiệp dữ liệu lớn. Ưu tiên, khuyến khích sử dụng điện toán đám mây do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ, phục vụ kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu một cách linh hoạt, ổn định và hiệu quả, tuân thủ chặt chẽ quy định về an toàn thông tin mạng.
Hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tại địa phương kết nối liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Mỗi người dân đều có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân. Mỗi trạm y tế xã đều triển khai hoạt động quản lý trạm y tế xã trên môi trường số. Mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa dựa trên nhu cầu thực tế. Mỗi bệnh viện, trung tâm y tế công đều triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đơn thuốc điện tử. Công khai giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá khám chữa bệnh.
Mỗi học sinh, sinh viên đều có hồ sơ số về việc học tập cá nhân. Mỗi cơ sở đào tạo đều triển khai hoạt động quản lý dạy và học trên môi trường số. Triể n khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt, học liệu số. Triển khai đại học số là quốc gia số thu nhỏ, thay đổi mô hình dạy và học để tối ưu hóa vận hành các cơ sở đào tạo đại học, tối ưu hóa trải nghiệm học tập của sinh viên và khuyến khích các mô hình đào tạo mới.
Mỗi người nông dân đều có khả năng truy cập, khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, giảm sự phụ thuộc vào các khâu trung gian từ sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng. Mỗi cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp có thể dễ dàng gửi nhận hóa đơn điện tử với nhau và với cơ quan thuế sử dụng nền tảng công nghệ số.
Triển khai công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình 4 lớp. Tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức và phổ biến kỹ năng an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; có biện pháp hiệu quả để bảo vệ an toàn hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức; bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng.
Tầm nhìn đến 2050 bao phủ, kết nối đa tầng không gian (mặt nước, lòng nước, mặt đất, lòng đất, vùng trời). Hợp nhất an toàn toàn bộ thế giới vật lý với thế giới số nhằm thích ứng trước mọi biến động phức tạp, khẩn cấp; mở rộng không gian hoạt động; đáp ứng phát triển bền vững mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng số, doanh nghiệp viễn thông khi xây dựng hạ tầng số, công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Thanh Tòng