(Tập huấn hòa giải cơ sở tại Thành phố Cà Mau)

Kể từ ngày công tác hòa giải ở cơ sở được luật hóa đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương. Bởi xác định đây hoạt động quan trọng góp phần giải quyết ngay từ cơ sở những các mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư. Theo số liệu thống kê, trong 10 năm triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 27.968 vụ việc, hòa giải thành 22.437 vụ, đạt 80,3%. Qua đó, đã ổn định tình hình an ninh trật tự tại cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Về công tác tổ chức, triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đều ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở. Trong đó, luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở. Trong 10 năm, cấp tỉnh đã tổ chức 10 hội nghị triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở cho hơn 1.530 lượt lãnh đạo các sở, ban ngành cấp tỉnh; lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện; báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; công chức tư pháp cấp huyện, cấp xã…. Cấp huyện đã tổ chức 195 hội nghị triển khai, có 14.771 lượt người dự là đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn, đoàn thể cấp huyện; báo cáo viên pháp luật cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã; trưởng ấp, khóm; tổ dân phố; Trưởng ban Công tác Mặt trận và tuyên truyền viên ở cơ sở.

Với mục đích tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và Nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở; qua đó phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư, kịp thời giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ trong Nhân dân; góp phần phòng ngừa và hạn chế các vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở địa phương; bảo đảm cho Hòa giải viên được bồi dưỡng trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải phù hợp, thiết thực, có được các kiến thức, kỹ năng trong công tác hòa giải ở cơ sở Sở Tư pháp đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức hơn 200 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ HGOCS cho gần 26.900 lượt hòa giải viên ở cơ sở. Nhờ đó, đội ngũ hòa giải viên từng bước được nâng cao về chất lượng, tổ chức và hoạt động ngày một đi vào nền nếp, hiệu quả.

Nhằm đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, bên cạnh hình thức tổ chức hội nghị tập huấn, Sở Tư pháp còn chủ trì biên soạn, nhân bản tài liệu, sổ tay, tờ gấp pháp luật có nội dung liên quan đến công tác hòa giải và phát hành đến tận cơ sở. Cụ thể, 10 năm qua, Sở Tư pháp cấp phát 26.900 tài liệu tập huấn về hòa giải ở cơ sở và các văn bản có liên quan; 45.000 tờ gấp tuyên truyền pháp luật về hòa giải ở cơ sở; phát hành 101 cuốn sổ tay hướng dẫn hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp cấp cho 101 xã, phường, thị trấn; cấp phát 1.200 quyển sách luật cho 03 đơn vị thực hiện thí điểm “Tổ Hòa giải ở cơ sở 5 tốt”; cấp phát trên 1.000 quyển sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở cho các Tổ hòa giải; đăng tải và phát hành Bộ tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở…. tạo điều kiện cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở thuận tiện trong tra cứu và tìm đọc. 

Về công tác củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, hàng năm Sở Tư pháp đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện kiện toàn Tổ hòa giải ở cơ sở, các tổ hòa giải thường xuyên được rà soát, kiện toàn, đảm bảo đầy đủ về cơ cấu, số lượng, thành phần, tiêu chuẩn theo quy định. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 883 tổ hòa giải với 5.941 hòa giải viên. Đội ngũ hòa giải viên đều là những người có hiểu biết về pháp luật, hiểu biết về phong tục tập quán của địa phương, có uy tín trong cộng đồng dân cư và có khả năng vận động, thuyết phục, có tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với công tác hòa giải ở cơ sở.

(Hòa giải viên trực tiếp tham gia hòa giải tại Tổ hòa giải trên địa bàn huyện Thới Bình)

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện Luật, bất cập trong các quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh như: Hiện nay chưa có quy định, hướng dẫn về trình tự, thủ tục, các bước hòa giải, thời gian tiến hành hòa giải; thời hạn công nhận, cho thôi hòa giải viên; tiêu chuẩn, trình độ của hòa giải viên; tài liệu tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở chưa được thường xuyên cập nhật, bổ sung,.... nên trong quá trình thực hiện còn khó khăn; kinh phí phục vụ cho công tác hòa giải ở cơ sở từ huyện đến cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu, ở cơ sở chưa bố trí được kinh phí riêng cho công tác hòa giải; địa phương chưa huy động được nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hòa giải cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác hòa giải. Thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, nghiệp vụ hòa giải, cung cấp tài liệu cho hòa giải viên; kịp thời biểu dương, khen thưởng các hòa giải viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Huỳnh Quỳnh