Hòa giải thành là trường hợp các bên đạt được thỏa thuận; các bên có trách nhiệm thực hiện những thỏa thuận của mình. Tuy nhiên, việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, tự giác của các bên, pháp luật về hòa giải ở cơ sở chưa có chế tài bắt buộc các bên phải thực hiện thỏa thuận hòa giải thành. Trên thực tế, có trường hợp các bên đã thỏa thuận hòa giải thành nhưng sau đó một bên lại thay đổi không thực hiện nội dung đã hòa giải, mặc dù kết quả hòa giải thành nhưng lại không thi hành được; như vậy vụ việc bị kéo dài, phức tạp, mất thời gian, công sức của tổ hòa giải ở cơ sở và cả người dân.

Để khắc phục hạn chế nêu trên, đảm bảo giá trị pháp lý của kết quả hòa giải ở cơ sở, từ đó hạn chế các tranh chấp yêu cầu Tòa án giải quyết, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã dành 01 chương (Chương XXXIII) quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Đồng thời, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở và nhằm tạo điều kiện cho các bên tham gia hòa giải thành ở cơ sở thực hiện việc đề nghị Tòa án nhân dân công nhận kết quả hòa giải thành, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 1503/BTP-PBGDPL ngày 05/5/2017 về việc yêu cầu Tòa án ra Quyết định công nhận kết quả Hòa giải thành.

Điều kiện để được Tòa án công nhận Hòa giải thành ở cơ sở

Để được Tòa án nhân dân ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở thì phải đáp ứng các điều kiện sau: (1)Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; (2) Vụ, việc được hòa giải tuân thủ đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở; (3) Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý; (4) Có văn bản hòa giải thành. Nội dung thỏa thuận hòa giải thành là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba; (5) Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở. 

Thủ tục yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở như sau:

Người yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở (là một bên hoặc cả hai bên) phải gửi đơn đến Tòa án nhân dân theo quy định tại Điều 418 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đơn yêu cầu phải có các nội dung chủ yếu sau đây: Ngày, tháng, năm làm đơn; tên Tòa án có thẩm quyền ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở; tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu; tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc nội dung thỏa thuận hòa giải thành ở cơ sở (nếu có); tên, địa chỉ của Hòa giải viên, tổ hòa giải đã tiến hành hòa giải; Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình. Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.

Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi văn bản về kết quả hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Văn bản về kết quả hòa giải thành do hòa giải viên ở cơ sở lập theo quy định tại Khoản 4 Điều 21 và Khoản 2 Điều 24 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013.

Văn bản hòa giải thành gồm các nội dung chính sau đây: Căn cứ tiến hành hòa giải; Thông tin cơ bản về các bên; Nội dung chủ yếu của vụ, việc; Diễn biến của quá trình hòa giải; Thỏa thuận đạt được và giải pháp thực hiện; Quyền và nghĩa vụ của các bên; Phương thức, thời hạn thực hiện thỏa thuận; Chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên và của hòa giải viên.

Thời hạn gửi đơn yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở là 06 tháng, kể từ ngày lập văn bản hòa giải thành.

 Cơ quan tiếp nhận đơn yêu cầu và có thẩm quyền ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở là là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người yêu cầu cư trú, làm việc.

 Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở của Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Việc Tòa án không công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hòa giải ở cơ sở.

Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành của Tòa án được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự, tức là sau khi có quyết định công nhận của Tòa án, các bên phải tự nguyện thi hành thỏa thuận của mình trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành của Tòa án; hết thời gian này, bên phải thực hiện nghĩa vụ có điều kiện thực hiện nghĩa vụ mà không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện, bên có quyền được nộp đơn yêu cầu thi hành cho cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).  

Lưu ý: Việc yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở là hoàn toàn tự nguyện, các bên có quyền gửi đơn yêu cầu hoặc không gửi đơn yêu cầu.

 

Ngọc Phạm