Công tác xây dựng, đáng giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau chủ động tham mưu chỉ đạo và triển khai thực hiện. 

Để chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong quản lý nhà nước về công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau đã kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo, giải đáp, hướng dẫn nghiệp vụ về đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành trung ương ban hành; xây dựng các văn bản chỉ đạo thực hiện tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; tổ chức đánh giá, công nhận và báo cáo kết quả xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 và đôn đốc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở nhằm đảm bảo tỷ lệ hòa giải ở cơ sở theo quy định. Đồng thời, thông qua các nhóm Zalo do Sở Tư pháp thành lập cũng thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn các huyện, thành phố Cà Mau trong việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; hướng dẫn xây dựng và duy trì mỗi xã ít nhất 02 hình thức, mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại cơ sở…

Tiến sĩ Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL - Bộ Tư pháp trao đổi với đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp do Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau tổ chức. 

Trong năm, Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với sở, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau tổ chức 05 hội nghị tập huấn phổ biến pháp luật về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho gần 800 đại biểu là cán bộ, công chức cấp xã, hòa giải viên ở cơ sở và Nhân dân. Qua đó nhằm giúp cho cán bộ và Nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và trang bị cho đội ngũ hòa giải viên ở cở sở kiến thức pháp luật, kỹ năng để giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở...

Bà Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau triển khai kiến thực pháp luật, kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn huyện U Minh.  

Đối với cấp huyện, cũng tích cực tuyên truyền, tập huấn các quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong năm 2023, các huyện, thành phố Cà Mau đã chủ trì, phối hợp và chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức 7.277 hội nghị, lớp tập huấn và lồng ghép triển khai quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và các văn bản quy định về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới và đô thị văn minh đến các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và Nhân dân trên địa bàn thông qua các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ, Hội, nhóm và các buổi họp dân,... Qua đó đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã và Nhân dân trong xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Ngoài ra, các huyện và thành phố Cà Mau còn thường xuyên cập nhật, đăng tải các thông tin về pháp luật, nhất là các văn bản chỉ đạo về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên trang thông tin điện tử huyện; tăng thời lượng phát tin, bài trên hệ thống truyền thanh huyện, thành phố; trạm truyền thanh các xã, phường, thị trấn nhằm phục vụ nhu cầu nắm bắt thông tin, tìm hiểu pháp luật, thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới; phổ biến các chủ trương, chính sách mới, các vấn đề thực tiễn thực thi pháp luật, nêu gương người tốt trong chấp hành pháp luật của đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân. 

Bà Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau phát biểu kết luận buổi kiểm tra tại huyện Cái Nước. 

Để kịp thời đánh giá được thực trạng, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong năm 2023, Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau cũng đã chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan thành lập Đoàn kiểm tra tại 05/09 huyện, thành phố (đạt tỷ lệ 55,55% đơn vị cấp huyện), với 65 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 53,11% đơn vị cấp xã). Nội dung kiểm tra đã tập trung vào công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; việc thực hiện mô hình, biện pháp nâng cao chất lượng thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật; những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; kế hoạch triển khai thực hiện năm 2023 và những năm tiếp theo. Ngoài ra, công tác tự kiểm tra cũng được các huyện: Thới Bình, Đầm Dơi và Cái Nước quan tâm tổ chức thực hiện thường xuyên. Qua kiểm tra, đã chỉ ra được những tồn tại, hạn chế mà địa phương còn gặp phải, đồng thời hướng dẫn tháo gở, khắc phục khó khăn để tiếp tục duy trì và nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luậttrong năm 2023 và những năm tiếp theo. 

Năm 2023, tỉnh Cà Mau có 98/101 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ trên 97%.

Nhìn chung do được sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp; chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; sự chủ động phối hợp giữa Sở Tư pháp với các sở, ban, ngành tỉnh trong công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã tổ chức thực hiện, đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 cơ bản bảo đảm chất lượng, đầy đủ, đúng nội dung các tiêu chí, chỉ tiêu và trình tự, thủ tục theo quy định. Kết quả năm 2023, tỉnh Cà Mau có 98/101 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt tỷ lệ trên 97%). 

Thông qua việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã cho thấy sự tác động tích cực trực tiếp đến việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương. Mức độ tiếp cận pháp luật của người dân và tinh thần, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc bảo đảm các điều kiện đáp ứng nhu cầu nâng cao nhận thức pháp luật của người dân tại cơ sở cũng được nâng lên. Qua đó, góp phần góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh còn tồn tại không ít khó khăn, hạn chế: Việc triển khai xây dựng, đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật đã được Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên để đảm bảo việc thực hiện, đánh giá, công nhận của cấp huyện nghiêm túc, bảo đảm công khai, dân chủ đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, còn một số đơn vị chỉ đạo thực hiện công tác này còn chậm, chưa kịp thời; một số đơn vị cấp xã thực hiện, chấm điểm, đánh giá một số tiêu chí, chỉ tiêu chưa sát, kết quả đánh giá còn chưa thực sự phản ánh đúng với tình hình thực tiễn của địa phương. Một số Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật cấp huyện hoạt động chưa hiệu quả, thành viên Hội đồng chưa phát huy hết trách nhiệm tư vấn, tham gia ý kiến về kết quả đánh giá và đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; một số đơn vị tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản nên hiệu quả tư vấn, thẩm định còn hạn chế, có nội dung chưa sát thực tình hình… nên việc đánh giá ở một số nơi chưa chặt chẽ, điểm số một số đơn vị đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khá cao nhưng kết quả chưa thực chất, chưa bám sát yêu cầu theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh và Sở Tư pháp.  Việc công bố kết quả công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp trên Cổng hoặc Trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện có đơn vị thực hiện còn chậm, chưa đảm bảo thời gian theo quy định. Một số đơn vị cấp xã thực hiện chưa đầy đủ, đúng thời gian việc niêm yết dự thảo báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp , bảng tổng hợp điểm số các tiêu chí…  Sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các Công chức cấp xã được giao nhiệm vụ theo dõi, đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp thuộc ngành, lĩnh vực mình phụ trách còn hạn chế, còn tình trạng xem đây là nhiệm vụ của công chức Tư pháp - Hộ tịch…

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế mà công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh, thời gian tới Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp: Tiếp tục tăng cường chỉ đạo, phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và Nhân dân về mục đích, ý nghĩa của nhiệm vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó chính quyền cơ sở giữ vai trò nòng cốt. Bảo đảm mỗi người dân và cán bộ, công chức nhận thức đúng đắn và đầy đủ mục đích, ý nghĩa, vị trí, vai trò của việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để từ đó thực hiện đầy đủ trách nhiệm, tổ chức thực hiện tốt các hoạt động công vụ thuộc phạm vi, trách nhiệm được giao.  Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đầu tư, hỗ trợ kinh phí đảm bảo cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật... tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở; đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo, phối hợp xây dựng mô hình, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật hoạt động hiệu quả được duy trì thường xuyên, tiến hành nhân rộng các mô hình, hình thức hoạt động hiệu qua trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu để xác định tiến độ thực hiện, từ đó tìm ra nguyên nhân để kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc tổ chức thực hiện. Kịp thời biểu dương, nhân rộng gương điển hình để đội ngũ cán bộ, công chức và Nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật./.

Phú Toàn