Theo đó, ngày 17 tháng 9 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội, cụ thể:

(Ảnh minh họa - nguồn internet)

-  Đối với tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ

+ Giúp người mua dễ dàng tra cứu và đối chiếu được hóa đơn điện tử do người bán cung cấp.

+ Sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không cần không gian lưu trữ hóa đơn,...).

+ Giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế.

+ Khắc phục rủi ro làm mất, hỏng, cháy khi sử dụng hóa đơn giấy.

+ Sử dụng hóa đơn điện tử tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ: sau khi nhận hóa đơn điện tử, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin về hóa đơn người bán gửi cơ quan thuế.

- Đối với tổ chức, cá nhân báng hàng hóa, cung ứng dịch vụ

+ Việc thực hiện đúng các quy định về hoá đơn, chứng từ của các tổ chức, cá nhân sẽ giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN được thuận lợi.

+ Giảm thủ tục hành chính liên quan tới hóa đơn; giảm chi phí liên quan tới việc gửi, bảo quản, lưu trữ hóa đơn và giảm rủi ro về việc mất hóa đơn.

- Đối với xã hội

+ Góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp.

+ Việc thực hiện đúng các quy định về hoá đơn, chứng từ của các tổ chức, cá nhân giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, từ đó giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp được thuận lợi.

+ Đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới.

+ Triển khai hoá đơn điện tử là một trong các nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy trong chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số đối với cơ quan tài chính cũng như trong các cơ quan nhà nước khác.

+ Mang nhiều lợi ích chung cho xã hội, như: tiết kiệm chi phí, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường.

Nhằm triển khai áp dụng hóa đơn điện tử đối với đối với 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2 (đã có 6 tỉnh, thành phố triển khai giai đoạn 1), Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 206/QĐ-BTC ngày 24/02/2022; Công văn số 766/TCT-DNNCN ngày 17/3/2022 của Tổng cục Thuế. Thời gian thực hiện từ tháng 4/2022.

Để triển khai hóa đơn điện tử cho 100% doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn (có đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020), Cục Thuế tỉnh Cà Mau thông báo đến toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh Cà Mau về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Thông tư 78/2021/TT-BTC, thực hiện kể từ tháng 4/2022.

Cục Thuế tỉnh Cà Mau luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trong quá trình triển khai thực hiện hóa đơn điện tử, nhằm đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

 Cục Thuế tỉnh Cà Mau thông báo đến toàn thể doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh biết và chủ động chuẩn bị cơ sở hạ tầng để triển khai thực hiện./.

 

Phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế