(Ảnh minh họa - nguồn baochinhphu.vn)

Nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân đối với công tác phòng thủ dân sự. Xác định phòng thủ dân sự là một nhiệm vụ trọng yếu của toàn đảng bộ, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, chặt chẽ của các cấp ủy, tổ chức đảng, quản lý của chính quyền các cấp.

Phòng thủ dân sự phải được chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, dự báo chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các lực lượng và toàn dân để phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả; thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” kết hợp với chi viện hỗ trợ cấp trên, các địa phương và cộng đồng quốc tế.

Hoạt động phòng thủ dân sự phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc. Lực lượng nòng cốt là: Dân quân tự vệ, dân phòng; công an xã, phường, thị trấn; lực lượng chuyên trách Quân sự, Công an, Biên phòng, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và toàn dân tham gia.

Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, thống nhất hành động, năng lực và kỹ năng ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, dịch bệnh cho các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn dân; lòng ghép kiến thức phòng thủ dân sự vào chương trình môn học, bồi dưỡng, giáo dục kiến thức quốc phòng, an ninh; hoàn thiện cơ sở pháp lý theo quy định của Trung ương; nhất là, cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chính sách trưng thu, trưng dụng, huy động lực lượng, phương tiện, vật chất cho nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

Kiện toàn tổ chức, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của ban chỉ huy, cơ quan thường trực ban chỉ huy, cơ quan chuyên trách giúp việc cho ban chỉ huy phòng thủ dân sự của tỉnh và các cơ quan, đơn vị bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; dàn trải trong đầu tư nguồn lực, bố trí nhân lực, vật lực bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Tổ chức rà soát quy hoạch, xây dựng phương án, kế hoạch phòng thủ dân sự ở các cấp phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, bảo đảm tính khả thi cao; xây dựng cơ chế vận hành hoạt động phòng thủ dân sự chặt chẽ, phân công, phân cấp lãnh đạo, chỉ huy tương ứng với từng điều kiện, tình huống cụ thể. Đầu tư hoàn thiện trang, thiết bị cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”.

Đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp về phòng thủ dân sự. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, phân bổ và phát huy hiệu quả các nguồn lực, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự. Kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức, cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng thủ dân sự. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện các vấn đề bất cập trong cơ chế, chính sách tổ chức thực hiện phòng thủ dân sự.

Tăng cường và đổi mới nội dung, hình thức, thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phòng thủ dân sự trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của các lực lượng và người dân trong thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

Tích cực, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu lợi dụng sự cố, thiên tai, dịch bệnh để xuyên tạc, kích động gây mất an ninh, trật tự, chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng thủ dân sự.

Xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự các cấp phải kết hợp chặt chẽ kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và kịp thời điều chỉnh khi có chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh trong các dự án, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.

Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ phòng thủ dân sự; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tự động hóa trong quan trắc, giám sát, dự báo và cảnh báo thiên tai. Xây dựng, kết nối các trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, trạm quan sát báo động, mạng thông tin của tỉnh với các khu vực và Trung ương, tạo thành mạng thông tin dự báo, cảnh báo, thông báo, báo động phòng thủ dân sự được kết nối trên phạm vi toàn quốc.

Xây dựng lực lượng chuyên trách cả về tổ chức và trang bị theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thiết thực đủ sức làm tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Tăng cường trang bị phương tiện lưỡng dụng cho lực lượng vũ trang để nâng cao năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả tại cơ sở.

Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn trực thuộc Tỉnh ủy triển khai, quán triệt, ban hành văn bản cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW và Kế hoạch của Tỉnh uỷ phù hợp với tình hình của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; hằng năm kiểm điểm, đánh giá, báo cáo kết quả thưc hiện theo quy định.

                                                                 Thanh Tòng