Định hướng chung phát triển thị trường xuất khẩu gạo: Quyết định định hướng Chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường trọng điểm, truyền thống. Đồng thời chú trọng phát triển các thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo chất lượng, giá trị cao và các sản phẩm chế biến từ thóc, gạo, các thị trường có quan hệ đối tác bền vững về thương mại và đầu tư, các thị trường FTA. Tận dụng lợi thế cạnh tranh để củng cố vị thế và khai thác hiệu quả các thị trường gần, thị trường truyền thống, trọng điểm có nhu cầu nhập khẩu gạo phù hợp với điều kiện sản xuất hiện tại;

Phát triển các thị trường mới, thị trường tiềm năng, tăng tỷ trọng các thị trường nhập khẩu gạo chất lượng, giá trị gia tăng cao; tăng xuất khẩu vào các thị trường FTA có dành ưu đãi cho mặt hàng gạo. Từng bước giảm tỷ trọng các thị trường nhập khẩu gạo có chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả thấp, không ổn định; tận dụng tốt các ngách thị trường phù hợp tại tất cả các khu vực thị trưởng. Giữ tỷ trọng gạo trắng, hạt dài phẩm cấp cao ở mức hợp lý (khoảng từ 15 - 20%), giảm tỷ trọng gạo phẩm cấp trung bình và thấp; tăng tỷ trọng gạo thơm, gạo đồ, gạo Japonica, gạo hữu cơ. Đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo, gạo có vi chất dinh dưỡng, bột gạo, mỹ phẩm từ gạo.

Một số định hướng phát triển thị trường cụ thể

Thị trường Đông Bắc Á: Phấn đấu tăng thị phần gạo Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của Hàn Quốc từ 8,7% năm 2021 lên khoảng 20% năm 2025 và khoảng 23% năm 2030; thị phần vào thị trường Nhật Bản từ 0,1% năm 2021 lên khoảng 0,5% vào năm 2025 và khoảng 1% vào năm 2030.

Thị trường Đông Nam Á: Giữ vững thị phần xuất khẩu gạo sang các nước trong khu vực, nhất là các thị trường chủ chốt như Philippines, Indonesia, Malaysia,...

Thị trường châu Phi, Trung Đông: Tăng cường quan hệ hợp tác về phát triển thị trường gạo với các nước, chú trọng việc đàm phán, ký kết các Bản ghi nhớ, thỏa thuận về thương mại gạo với các nước có nhu cầu nhập khẩu gạo. Khai thác các kênh xuất khẩu gạo trắng chất lượng cao vào thị trường Ả rập Xê-út, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất.  Phấn đấu tăng thị phần gạo Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của thị trường Nam Phi từ 0,7% năm 2021 lên khoảng 1,5% vào năm 2025, khoảng 2% vào năm 2030; duy trì ổn định thị phần tại thị trường Ghana và Bờ Biển Ngà.

Thị trường châu Âu:  Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do với khu vực như EVFTA, UKVFTA, EAEU để tăng khối lượng gạo xuất khẩu vào khu vực, tương xứng với tiềm năng của thị trường.  Phấn đấu tăng thị phần gạo Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của Liên minh kinh tế Á - Âu: Thị phần tại thị trường Liên bang Nga tăng từ 1,6% năm 2021 lên khoảng 7% vào năm 2025, khoảng 10% năm 2030. Thị phần tại thị trường Bê-la-rút ổn định ở mức khoảng 25%.  Phấn đấu tăng thị phần tại một số nước châu Âu như: Pháp là từ 2,3% năm 2021 lên khoảng 2% vào năm 2025 và khoảng 3,5%; Đức từ 1,8% vào năm 2021 lên khoảng 2% năm 2025 và khoảng 2,5% vào năm 2030; Cộng hòa Séc từ 7,7% năm 2021 lên khoảng 8,5% năm 2025 và khoảng 10% vào năm 2030.

Thị trường châu Mỹ, châu Đại Dương: Phấn đấu tăng thị phần tại thị trường Hoa Kỳ từ 1,5% năm 2021 lên khoảng 3% vào năm 2025, khoảng 5% vào năm 2030. Phấn đấu tăng thị phần tại thị trường Mexico lên 0,2% vào năm 2025, khoảng 0,5% vào năm 2030; tại thị trường Haiti từ 6,5% năm 2021 lên khoảng 8% vào năm 2025, khoảng 10% vào năm 2030. Phấn đấu tăng thị phần tại thị trường Úc từ 14% năm 2021 lên khoảng 16% vào năm 2025 và khoảng 19% vào năm 2030...

Xem nội dung chi tiết tại Quyết định 583/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 26/5/2023 và thay thế Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 03/7/2017.

                                               Thanh Tòng