Trong thời gian qua, công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật luôn được Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Năm 2021, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 97/101 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 96%. Thông qua đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã giúp chính quyền cấp xã thấy được những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ chuyên môn và đề ra giải pháp khắc phục, thực hiện đạt kết quả tốt hơn; góp phần tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, thực thi nhiệm vụ chuyên môn của chính quyền cấp xã; nâng cao ý thức trách nhiệm, hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức, góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.

(Đoàn kiểm tra của Sở Tư pháp kiểm tra công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại huyện Thới Bình)

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng, đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở một số nơi có mặt còn hạn chế, chưa sát với tình hình, chưa đảm bảo thực chất. Sự phối hợp của các ban, ngành liên quan ở một số đơn vị trong phụ trách các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa được thường xuyên, chặt chẽ, còn tình trạng “khoán trắng” cho công chức Tư pháp. Việc chỉ đạo, kiểm tra của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật từng lúc, từng nơi chưa sâu sát, chưa thường xuyên để kịp thời có giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế. Thực tế đã qua, việc đánh giá các đơn vị cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là do đơn vị đó có cán bộ, công chức bị kỷ luật (vi phạm điều kiện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Việc đánh giá chủ yếu được thực hiện bằng văn bản lấy ý kiến, chưa tổ chức họp Hội đồng đánh giá đầy đủ.

Qua kiểm tra của Sở Tư pháp trong năm 2022 cho thấy, kết quả đánh giá, tự chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu của một số xã, thị trấn chưa sát, có nội dung còn chung chung, thiếu cơ sở chứng minh cho các điểm số tự chấm hoặc điểm trừ. Những hạn chế nêu trên là do một số đơn vị chưa tập trung chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ này ngay đầu năm, mà thường đến cuối năm mới thực hiện rà soát, chấm điểm, đánh giá… nên việc đánh giá không sát thực tế, thiếu thông tin kiểm chứng.

Từ năm 2022, công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được triển khai thực hiện với nhiều điểm mới, được quy định tại Quyết định 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 09/2021/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và một số văn bản liên quan khác. Đặc biệt, cùng với điểm số, cách tính điểm về nội dung của từng chỉ tiêu, Thông tư số 09/2021/TT-BTP đã hướng dẫn cụ thể các tài liệu phục vụ việc đánh giá, chấm điểm. Các tài liệu là những sản phẩm, kết quả mà chính quyền cấp xã có được trong quá trình tổ chức triển khai nhiệm vụ, không phải là các tài liệu mới phát sinh từ việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trên thực tế thời gian qua các địa phương còn gặp lúng túng khi xác định các tài liệu kiểm chứng để chấm điểm, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Việc quy định rõ các tài liệu đánh giá, từ đó tạo căn cứ góp phần cho Ủy ban nhân dân cấp xã chấm điểm, đánh giá được thực chất công tác này.

Tuy nhiên, hiện nay một số cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao phụ trách, tham mưu thực hiện nhiệm vụ này chưa nắm đầy đủ các quy định mới về nội dung các tiêu chí, chỉ tiêu cần thực hiện và cách tính điểm về đánh giá xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định mới này. Vì vậy, việc thực hiện có mặt chưa đảm bảo hiệu quả theo yêu cầu đặt ra.

(Sở Tư pháp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật)

Để công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian tới đảm bảo được đồng bộ, thống nhất, thực chất, đúng theo quy định tại Quyết định 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 09/2021/TT-BTP của Bộ Tư pháp, các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, văn bản hướng dẫn của Sở Tư pháp về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và thực hiện Tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, các địa phương cần chú trọng thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, nhận thức đúng tầm quan trọng và xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy, chính quyền địa phương cần nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.  Cần có sự chỉ đạo của cấp ủy đảng trong công tác này, gắn với sự phân công, phối hợp thực hiện giữa Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã với các ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội, nhằm hguy động và phát huy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối trong thực hiện nhiệm vụ này. Thông tin, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân về mục đích, ý nghĩa, tình hình thực hiện và quy định của pháp luật về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bằng các hình thức phù hợp với đối tượng, địa bàn.

 Hai là, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành phụ trách từng tiêu chí

Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phân công cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân làm đầu mối, các cơ quan phối hợp tham mưu, theo dõi triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Quan tâm chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ phụ trách, theo dõi, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện đối với từng chỉ tiêu, tiêu chí. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ, tránh tình trạng “khoán trắng” cho Công chức Tư pháp.

Ba là, việc thực hiện phải thường xuyên, liên tục

Nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được xác định là nhiệm vụ quan trọng, được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, hàng năm, gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường dân chủ ở cơ sở, vận động nhân dân thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của các cơ quan, đơn vị, địa phương mà trước hết và trực tiếp là chính quyền cấp xã. Vì vậy, ngay đầu năm cần ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện. Quá trình tổ chức thực hiện Ủy ban nhân dân cấp xã cần chỉ đạo công chức chuyên môn phải theo dõi, cập nhật tình hình xuyên suốt, liên tục và phải được thực hiện ngay từ đầu năm, tránh tình trạng đến cuối năm mới rà soát, đánh giá. Trong thực hiện, các địa phương cần nắm kỹ từng tiêu chí, chỉ tiêu, nội dung, cách tính điểm, các quy định pháp luật có liên quan của từng nội dung, chỉ tiêu, tiêu chí để làm cơ sở chấm điểm sát thực tế, đánh giá, công nhận khách quan và thực chất.

Bốn là, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã cần thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để kịp thời có giải pháp khắc phục đối với những tiêu chí, chỉ tiêu còn hạn chế.

Quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai các giải pháp, xử lý khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hoặc việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật không đúng quy định pháp luật.

Cần chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hình thức, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật, đảm bảo tính hiệu quả, được duy trì thường xuyên, liên tục tại cơ sở; chỉ đạo nhân rộng, biểu dương khen thưởng kịp thời những hình thức, và công nhận mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả. Đặc biệt quan tâm xây dựng mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật và mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở hoạt động có hiệu quả được công nhận theo tiêu chí tiếp cận pháp luật theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.

Năm là, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật của huyện; ngay đầu năm có kế hoạch phân công rõ nhiệm vụ từng thành viên, chỉ đạo phát huy đầy đủ trách nhiệm của từng thành viên Hội đồng trong tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện xét, thẩm tra và công nhận xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Phát huy vai trò của Thư ký hội đồng – Phòng Tư pháp cấp huyện trong tổng hợp, tham mưu đánh giá và tổ chức họp Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật đảm bảo theo quy định.

Sáu là, bảo đảm nguồn lực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các ngành cấp huyện và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện tốt việc bảo đảm nguồn lực, kinh phí tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó, chú trọng nguồn lực, kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở. Vì đây là những nội dung, tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả công tác tổ chức, thực hiện pháp luật và khả năng tiếp cận pháp luật của người dân.

Việc chỉ đạo triển khai thực hiện tốt việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức; nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường thực hiện dân chủ, tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở. Đồng thời tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, đảm bảo nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm trong việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật./.

Ngọc Phạm