Hiện nay, các tổ chức, cá nhân cho vay áp dụng nhiều mức lãi suất cho vay khác nhau. Tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 Mức lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự được quy định như sau: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.  Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định nêu trên tại thời điểm trả nợ.

Đồng thời, Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 cũng quy định về lãi suất cho vay như sau:  Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Như vậy, trong giao dịch dân sự, mức lãi suất cao nhất được quy định là 20%/năm. Tuy nhiên, trong quan hệ cho vay giữa các tổ chức tín dụng và khách hàng thì lãi suất giữa các bên là thỏa thuận, trừ trường hợp theo khoản 1 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN , theo đó:

Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN .

“Tín dụng đen” là một hình thức cho vay mới. Trong tín dụng đen, lãi suất do người cho vay tự đặt ra mà không theo bất kì khuôn khổ, quy định nào. Trên thực tế, tín dụng đen có thể hiểu là một hình thức cho vay tín dụng với lãi suất cao hơn quy định của pháp luật từ các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động cho vay tiền nhưng không đăng ký kinh doanh và không được sự cấp phép của nhà nước (còn gọi là cho vay nặng lãi). Nạn nhân của tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” rất đa dạng, ở nhiều lứa tuổi, trình độ, tính chất công việc khác nhau; có những người trình độ học vấn cao, biết tính chất của tín dụng đen nhưng vẫn va vào nó và trở thành nạn nhân của hình thức cho vay này.

Có thể thấy, tín dụng đen được nhiều người tìm đến dù biết rõ nguy cơ về nó nhưng mọi người vẫn lao vào bởi nó đáp ứng ngay và liền nhu cầu của người cần sử dụng. Khi thật sự cần, họ nghĩ ngay đến việc vay nóng vừa nhanh lại vừa đỡ phiền phức, ràng buộc về mặt giấy tờ, thủ tục. Khi đi vay ở ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng sẽ phải thực hiện nhiều thủ tục, đòi hỏi nhiều giấy tờ và có khi phải dùng tài sản thế chấp để bảo đảm thì mới được vay. Nhưng khi vay tín dụng đen thì không phải thực hiện các thủ tục đó, rất dễ tiếp cận vay tiền, quy định khá đơn giản, chỉ cần giấy chứng minh hoặc có khi đơn giản là sử dụng giấy phép lái xe cũng có thể vay được vốn.

Vì sự đơn giản trong thủ tục vay đã dẫn dắt nhiều người và nhiều người đã phải trả một cái giá rất đắt khi vướng vào tín dụng đen, có nhiều người không thể thoát ra khỏi nó và phải “tán gia bại sản” vì tín dụng đen, liên lụy đến gia đình, đến người thân, ảnh hưởng đến công việc, nhiều cơ sở kinh doanh phải đóng cửa vì không thể trả nổi lãi và vốn. Khi thấy “con nợ” không có khả năng chi trả, các tổ chức tín dụng đen sẽ áp dụng những chiêu trò đòi nợ, có khi còn dùng đến bạo lực gây ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe kể cả tính mạng của người vay.

“Tín dụng đen” hay còn gọi theo cách thông thường là cho vay nặng lãi là một hình thức cho vay không chính thống, không được pháp luật công nhận và bảo vệ, đồng thời bị pháp luật nghiêm cấm, nhưng do với lãi suất cao gây ảnh hưởng đến nhiều người nên đã có những quy định của pháp luật để xử lý đối với những trường hợp vi phạm như: Nếu trong giao dịch dân sự, cho người khác vay với lãi suất gấp năm lần trở lên của mức lãi suất cao nhất theo quy định nêu trên, mà thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị xử lý hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật Hình sự.

Cụ thể, khung hình phạt cao nhất đối với tội danh này đến ba năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

“Người vay muốn được pháp luật bảo vệ thì cần khởi kiện ra tòa án để yêu cầu tòa làm rõ khoản lãi mà người vay phải trả là bao nhiêu. Nếu giá trị lãi đã trả vượt quá lãi suất mà pháp luật quy định thì phần vượt đó được xác định là gốc của khoản vay. Trường hợp lãi suất vượt quá năm lần mức lãi suất cao nhất và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, người vay có thể làm đơn tố giác tới cơ quan công an để xử lý theo quy định”.

Như vậy “tín dụng đen” với mức lãi suất cho vay vượt quá mức lãi suất pháp luật cho phép được thực hiện bởi một cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức gắn với hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật, gây thiệt hại nặng nề cho người vay và gây rối trật tự xã hội. Vì vậy người vay cần phải suy nghĩ thật kỹ và sáng suốt lựa chọn trong cách vay tránh những hậu quả đáng tiếc cho bản thân, gia đình và xã hội. Trong bối cảnh đó, sự quan tâm, sâu sát và các biện pháp hỗ trợ kịp thời của chính quyền, đoàn thể ở địa phương đối với các gia đình khó khăn là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Sự quan tâm đó trước hết giúp người dân hiểu rõ hơn thủ đoạn gài bẫy của các nhóm cho vay nặng lãi, dù được ẩn danh dưới cái tên mỹ miều là "công ty tín dụng", "công ty tài chính", mà tránh xa. Không chỉ vậy, sự động viên, chia sẻ có thể giúp bà con nghèo vững tin hơn, từ đó tìm ra được giải pháp khác tốt hơn thay vì phải "đâm đầu" vào ngõ cụt.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần có nhiều biện pháp thông tin, tuyên truyền để người dân không sa vào bẫy tín dụng đen, đồng thời có biện pháp xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật nếu có đủ chứng cứ./.

Huỳnh Quỳnh