Các hòa giải viên họp bàn về công tác hòa giải ở cơ sở

Công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Đầm Dơi kịp thời hoà giải được những tranh chấp, bất đồng ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, giải quyết dứt điểm mâu thuẫn, tranh chấp, xoá bỏ bất đồng, hận thù với nhau; cơ bản không để tranh chấp kéo dài, khó xử lý và không dẫn đến tình trạng khiếu kiện ra cơ quan Nhà nước, khiếu kiện vượt cấp...

Để công tác hòa giải ở cơ sở giải quyết tốt các tranh chấp, mâu  thuẫn cho người dân, ông Trần Thanh Sương - Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Cây Kè, xã Quách Phẩm Bắc chia sẻ: Đi kèm với sự khởi sắc đáng kể của một nền kinh tế - xã hội văn minh, là những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong nhân dân cũng không hề ít. Trên cơ sở nắm chắc quy định của Luật hòa giải ở cơ sở, với vai trò là tổ trưởng tổ hòa giải, bản thân tôi khi tiến hành hòa giải luôn cố gắng xác định ra vụ việc nào thuộc phạm vi hòa giải, vụ việc nào thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền. Tiếp đó là phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ vụ việc, ý kiến của mọi người, nguyện vọng của các bên mâu thuẫn, các văn bản pháp luật để có phương án hòa giải phù hợp. Căn cứ vào các loại mâu thuẫn mà chọn địa điểm và thời điểm cho phù hợp. Đơn cử như có việc phải mời ra nhà văn hóa, có việc tổ chức ở nhà tổ trưởng, tổ phó tổ hòa giải hoặc ở nhà một trong các bên mâu thuẫn. Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi luôn xác định đối với mâu thuẫn tại làng xóm cần có người lớn tuổi đứng đắn, uy tín, kinh nghiệm, có đại diện người cao tuổi, đại diện phụ nữ..., được thực hiện theo phương châm "tối lửa tắt đèn có nhau", "bán anh em xa mua láng giềng gần", "đóng cửa bảo nhau"... Chính nhờ làm tốt công tác chuẩn bị nên kết quả hòa giải thành công ở địa bàn những năm gần đây luôn đạt từ 85% trở lên...".

Nhờ vậy, mà công tác hòa giải cơ sở ở huyện Đầm Dơi những năm gần đây đạt được kết quả đáng phấn khởi, đông về số, mạnh về chất. Toàn huyện có 132 tổ hoà giải với 930 hoà giải viên. Các tổ hoà giải được cơ cấu với đầy đủ các thành phần như: Bí thư chi bộ hoặc Trưởng ấp, khóm, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, người có uy tín... Mỗi tổ hoà giải đều có từ 5 đến 7 hoà giải viên, đa số đều có trình độ học vấn từ THCS trở lên.

Hàng năm, các hoà giải viên đều được tạo điều kiện để tham gia vào những lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ, nắm bắt kiến thức pháp luật về đất đai, hôn nhân và gia đình, hình sự, dân sự, phòng chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo, giao thông, bảo vệ môi trường.

Đội ngũ hoà giải viên toàn huyện trong 6 tháng đầu năm đã tiến hành thụ lý hoà giải 37 vụ việc, tỷ lệ hoà giải thành công đạt 94,6%. Tỷ lệ hoà giải thành năm sau luôn cao hơn trước đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho nhà nước, cơ quan, công dân.

Mạng lưới tổ hoà giải trên địa bàn huyện không ngừng được củng cố, phát triển, thu hút được nhiều thành phần, lực lượng tham gia. Hoạt động hòa giải cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả PBGDPL, từng bước hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, ý thức "sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật", phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân…./.

Trung Dũng, Phòng Tư pháp Đầm Dơi