1. Tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng như vị trí, vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn tỉnh Cà Mau trong giai đoạn hiện nay.

2. Đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn các cấp theo hướng thiết thực, hiệu quả; thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng, trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

3. Việc triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW phải bám sát tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện, kịp thời sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm.

Muc tiêu xây dựng các cấp công đoàn trong tỉnh ngày càng vững mạnh toàn diện, có năng lực đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn đề đặt ra và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động trên địa bàn tỉnh; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2023, có 53.550 đoàn viên công đoàn và 85% doanh nghiệp có từ 25 công nhân lao động trở lên có tổ chức công đoàn; có 85% trở lên doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể.

Đến năm 2025, có 54.500 đoàn viên công đoàn và 90% doanh nghiệp có từ 25 công nhân lao động trở lên có tổ chức công đoàn; có 90% trở lên các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể.

Đến năm 2030, có 56.000 đoàn viên công đoàn; 95% trở lên các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể.

Đến năm 2045; 95% người lao động tại cơ sở là đoàn viên công đoàn; 100% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể.

Kế hoạch nêu một số nhiệm vụ trọng tâm. Tập trung tuyên truyền, quán triệt các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 02-NQ/TW gắn với Kết luận số 79-KL/TW, ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới và thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Tuyên truyền, phổ biến trong các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thời cơ, khó khăn, thách thức và những vấn đề mới đặt ra đối với tổ chức công đoàn trong bối cảnh hội nhập, khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các công ước quốc tế liên quan đến lao động và công đoàn.

Tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước cho công nhân; bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, trình độ, kỹ năng, tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật, ý thức pháp luật cho đoàn viên, người lao động; có biện pháp phù hợp ngăn chặn việc lợi dụng lôi kéo kích động công nhân lao động biểu tình, đình công trái pháp luật gây mất ổn định an ninh, trật tự.

Đổi mới quy trình, thủ tục kết nạp đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở theo hướng linh hoạt, chủ động, kịp thời, thiết thực. Tập trung thành lập công đoàn cơ sở, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, nơi có đông người lao động, nơi tiềm ẩn phức tạp trong quan hệ lao động. Chính quyền các cấp phối hợp với tổ chức công đoàn nắm bắt, khảo sát, điều tra, dự báo tình hình công nhân lao động của doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn để xây dựng kế hoạch vận động, phát triển thành lập, tạo tiền đề thành lập các đoàn thể khác trong doanh nghiệp.

Đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến để các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thời cơ, khó khăn, thách thức và những vấn đề mới đặt ra đối với tổ chức công đoàn trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và phê chuẩn các công ước quốc tế liên quan đến lao động, công đoàn.

r                                r                 r

Tiếp tục săp xếp, hoàn thiện mô hình tô chức; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Sắp xếp lại tổ chức bộ máy và cán bộ, đảm bảo bộ máy tinh gọn, có hiệu quả, phù hợp với chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị của tỉnh. Xây dựng mô hình tổ chức công đoàn theo hướng mở, linh hoạt, năng động nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động. Thành lập trung tâm tư vấn và hỗ trợ người lao động ở những ngành, địa phương có đông công nhân, người lao động.

Tập trung nâng cao chất lượng công đoàn cơ sở và cấp trên cơ sở, nhất là công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; công đoàn khu công nghiệp... Củng cố, phát triển công đoàn ngành, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn tại các địa phương; có mô hình phù hợp thu hút, tập hợp, bảo vệ người lao động ở ngoài khu vực nhà nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bảo đảm về số lượng, chất lượng, có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, có năng lực đối thoại, dẫn dắt, truyền cảm hứng, tập hợp, đoàn kết người lao động. Thực hiện nghiêm túc việc xác định vị trí việc làm, yêu cầu công việc, biên chế, chức danh, chức vụ để sắp xếp, bố trí cán bộ nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng công việc. Người đứng đầu tổ chức công đoàn phải có uy tín cao, am hiểu sâu sắc và có kinh nghiệm thực tiễn về công tác vận động quần chúng, nhất là vận động công nhân, người lao động và chủ doanh nghiệp. Cơ cấu cấp ủy các cấp có tỉ lệ hợp lý người trưởng thành từ công nhân, công đoàn.

Cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy phối hợp, thống nhất với Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh trong công tác tổ chức cán bộ, nhất là công tác bổ nhiệm, điều động chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cùng cấp trên cơ sở đảm bảo tính ổn định và phát triển lâu dài. Định kỳ hằng năm, cấp ủy, chính quyền và công đoàn cùng cấp tổ chức gặp gỡ, đối thoại với đoàn viên, người lao động.

Đổi mới mạnh mẽ, thực chất về nội dung, phương thức hoạt động công đoàn các cấp, trên cơ sở lấy nhu cầu, nguyện vọng chính đáng; lấy đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động làm mục tiêu hoạt động; phát huy dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hướng về cơ sở, coi trọng công tác phối hợp, nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội.

Tích cực đổi mới phương pháp, tác phong công tác của cán bộ công đoàn, nhất là cấp cơ sở; kiên quyết chống quan liêu, hình thức và bệnh thành tích. Xây dựng và củng cố niềm tin, tạo sự gắn kết giữa người lao động với tổ chức công đoàn, từ đó tạo động lực thu hút, tập hợp đoàn viên, người lao động để tổ chức công đoàn thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng và hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; thực hiện tốt quy chế dân chủ tại nơi làm việc; hoạt động giám sát, phản biện xã hội; tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý và tham gia giải quyết hiệu quả các tranh chấp lao động, đình công.

Quan tâm dành nguồn lực chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo... Các cấp chính quyền phối hợp với công đoàn và người sử dụng lao động quan tâm đầu tư, xây dựng các thiết chế phục vụ công nhân lao động, đặc biệt là nhà ở, trường học, nhà trẻ, bệnh viện, khu vui chơi giải trí cho công nhân và con, em công nhân; kiến nghị giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân, người lao động; tích cực xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.

Tăng cường tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ công đoàn. Quan tâm tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công nhân, công đoàn trong tình hình mới. Làm tốt công tác dự báo, kịp thời xử lý các tình huống, vấn đề mới phát sinh.

Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy phối hợp với Đảng đoàn, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng, ký kết quy chế phối hợp trong công tác, để đảm bảo sự chặt chẽ, thường xuyên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở, đồng thời đánh giá kết quả công tác phối hợp sau khi thực hiện.

Quan tâm lãnh đạo công tác phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; thành lập tổ chức công đoàn để tạo tiền đề thành lập tổ chức đảng, đoàn thể khác. Ở những nơi chưa có tổ chức đảng, Đảng lãnh đạo tổ chức công đoàn thông qua công đoàn cấp trên trực tiếp. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng viên; quan tâm bồi dưỡng, giới thiệu công nhân, người lao động đủ tiêu chuẩn vào Đảng.

Ủy ban nhân dân tỉnh và chính quyền các cấp tăng cường phối hợp với công đoàn; xây dựng các chương trình, quy chế phối hợp, kế hoạch hoạt động nhằm chăm lo, đảm bảo quyền lợi cho người lao động; hỗ trợ tạo điều kiện để công đoàn hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, thiết thực, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có đông công nhân lao động.

Các cấp chính quyền có cơ chế huy động, bố trí nguồn lực tài chính thỏa đáng để nâng cao phúc lợi, chăm lo, giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của người lao động, đầu tư, xây dựng các thiết chế phục vụ công nhân lao động; xử lý các tình huống đột xuất ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động.

Công đoàn chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội xây dựng các chương trình phối hợp, thỏa thuận hợp tác có tính lâu dài, toàn diện, tạo sức mạnh tổng hợp, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn, huy động các nguồn lực chăm lo lợi ích cho đoàn viên; phối hợp giám sát và phản biện xã hội.

 Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa Kế hoạch này để thực hiện; chủ động phối hợp các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động công đoàn, công tác tổ chức cán bộ, công tác phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở tại địa phương, ngành, đơn vị.

                                                                                                     Thanh Tòng