Tại khoản 1 điều 46 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về  giám hộ: “1. Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ). 2. Trường hợp giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu.3. Việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Người giám hộ đương nhiên mà không đăng ký việc giám hộ thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ.

  Tại Điều 47 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định Người được giám hộ:“1. Người được giám hộ bao gồm: (a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ; (b) Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ; (c) Người mất năng lực hành vi dân sự; (d) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Luật cũng quy định: “Một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu”.

Quy định về xử lý hành vi vi phạm quy định về giám hộ

Để bảo vệ lợi ích chính đáng, hạn chế khả năng người giám hộ lợi dụng hoàn cảnh, điều kiện của người được giám hộ mà nảy sinh hành vi có thể gây  ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người được giám hộ. Bộ luật dân sự năm 2015 quy định rất rõ về việc thay đổi người giám hộ khi người giám hộ vi phạm nghiêm trọng về giám hộ (điểm c khoản 1 Điều 60 Bộ luật dân sự). Bên cạnh đó, tại Điều 61 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định  Hành vi vi phạm quy định về giám hộ như sau: “1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi trốn tránh, không thực hiện nghĩa vụ giám hộ sau khi đã đăng ký giám hộ. 2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: (a) Lợi dụng việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ để trục lợi; (b) Lợi dụng việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ để xâm phạm tình dục, bóc lột sức lao động của người được giám hộ. Ngoài ra, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh và chi phí khác (nếu có) đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 61 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ.

Với các quy định như trên, góp phần để các quyền của người được giám hộ được thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Lâm Tư