Thứ nhất: Bị hại không hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án

Thực tiễn giải quyết vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại, các vụ án về tội: “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” (sửa đổi, bổ sung năm 2017) luôn chiếm tỷ lệ cao trong các tội và theo quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) thì chỉ được khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại.

Song, đối với vụ án cố ý gây thương tích thì yêu cầu bắt buộc đối với cơ quan điều tra phải xác định được tỷ lệ thương tích của bị hại, bởi chỉ khi xác định được phần trăm tỉ lệ thương tích của bị hại thì cơ quan điều tra mới có căn cứ để khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, có trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng không thể xử lý được vì bị hại không hợp tác, từ chối giám định để xác định tỷ lệ thương tích gây khó khăn trong việc giải quyết vụ án. Tại điểm b khoản 2 Điều 127 BLTTHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về biện pháp dẫn giải có thể áp dụng đối với bị hại không hợp tác, từ chối giám định: “Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”. Đây là biện pháp cưỡng chế nhằm khắc phục trường hợp bị hại từ chối việc giám định gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Do đó, quá trình thực hiện quy định này có vướng mắc đó là: Thực hiện dẫn giải bị hại đi giám định nhưng bị hại vẫn cương quyết từ chối việc giám định, tỏ thái độ bất hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng với lý do có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, vì vậy việc giám định không thể tiến hành được.

Do đó, cơ quan có thẩm quyền cần quy định rõ nghĩa vụ của bị hại trong việc giám định thương tích; trình tự, thủ tục, điều kiện dẫn giải bị hại đi giám định thương tích nếu bị hại từ chối giám định mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

Thứ hai, Hướng dẫn về giới hạn giải quyết vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại

Trường hợp vụ án có nhiều bị hại nhưng chỉ một hoặc một số người yêu cầu khởi tố vụ án, những người còn lại không yêu cầu khởi tố vụ án do nhiều nguyên nhân khác nhau đã phát sinh vướng mắc trong việc xác định những người không yêu cầu khởi tố vụ án có được coi là bị hại không? trường hợp này có khởi tố vụ án hình sự hay không? Nếu cơ quan tiến hành tố tụng không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sẽ không bảo vệ được quyền, lợi ích của người bị hại có yêu cầu khởi tố và ngược lại nếu ra quyết định khởi tố vụ án hình sự lại ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người bị hại không có yêu cầu khởi tố.

Thứ ba, trường hợp vụ án có nhiều người cùng thực hiện hành vi phạm tội nhưng bị hại chỉ yêu cầu khởi tố vụ án đối với hành vi của một hoặc một số người phạm tội thì trường hợp này cơ quan điều tra có khởi tố tất cả người phạm tội hay không?

Vấn đề này là còn vướng mắc, vì nếu trong trường hợp có nhiều người cùng thực hiện hành vi phạm tội nhưng bị hại chỉ yêu cầu khởi tố vụ án đối với hành vi của một hoặc một số người phạm tội. Như vậy nếu cơ quan điều tra khởi tố vụ án và khởi tố các bị can do bị hại yêu cầu sẽ có khả năng dẫn đến có người mặc dù hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự sẽ không được xử lý (do bị hại không yêu cầu).

Qua nghiên cứu khởi tố, giải quyết vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại, xin đề xuất, kiến nghị như sau: Cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể để các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất thực hiện các trường hợp: Vụ án có nhiều bị hại nhưng chỉ một hoặc một số bị hại yêu cầu khởi tố vụ án, những người còn lại không yêu cầu khởi tố vụ án; Vụ án có nhiều người cùng thực hiện hành vi phạm tội nhưng bị hại chỉ yêu cầu khởi tố vụ án đối với hành vi của một hoặc một số người thực hiện hành vi phạm tội./.

Lê Đồng