Một trong những điểm mới, trọng tâm Luật Nhà ở năm 2023 là Tăng cường cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ pháp luậtTheo đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương quyết định và chịu trách nhiệm, hạn chế sự can thiệp vào quan hệ thị trường bằng công cụ quản lý hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp, cụ thể:

- Bỏ quy định về kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm cấp tỉnh và việc lấy ý kiến Bộ Xây dựng khi xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; lược bỏ những nội dung trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở có sự trùng lặp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, hạn chế sự can thiệp vào quan hệ thị trường bằng công cụ quản lý hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp;

- Bãi bỏ quy định về công nhận chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở để thống nhất thực hiện theo Luật Đầu tư; bãi bỏ quy định về điều kiện cư trú khi mua, thuê mua nhà ở xã hội, chỉ còn điều kiện về nhà ở và thu nhập; đối với trường hợp thuê nhà ở xã hội thì không yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện về nhà ở, thu nhập, chỉ cần đúng đối tượng. Đồng thời, tiêu chí về thu nhập cũng không quy định cứng trong Luật mà do Chính phủ quy định để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cũng như khả năng nguồn cung nhà ở xã hội trong từng thời kỳ;

- Bổ sung quy định các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở và giao Chính phủ quy định chi tiết các giai đoạn đầu tư dự án xây dựng nhà ở trên cơ sở quy định của Luật Nhà ở và các luật có liên quan như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Xây dựng... Quy định này nhằm tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện, các doanh nghiệp, nhà đầu tư chỉ cần căn cứ vào quy định của Nghị định này là thực hiện được trình tự, thủ tục đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở do Nghị định đã tích hợp và quy định trình tự, thủ tục đầu tư phù hợp với Luật Nhà ở và các luật có liên quan. Việc giao Chính phủ quy định chi tiết bảo đảm linh hoạt hơn so với quy định cứng trong Luật Nhà ở, trường hợp các luật có thay đổi thì Chính phủ sửa đổi nghị định cho phù hợp.

Bên cạnh đó, Luật Nhà ở 2023 đã hoàn thiện các quy định chung về phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở; tăng cường phát triển nhà ở theo dự án nhằm bảo đảm chất lượng quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ hoạt động phân lô bán nền để hài hòa giữa yêu cầu quản lý và mục tiêu phát triển. 

Cụ thể, đối với khu vực đô thị, việc phát triển nhà ở chủ yếu được thực hiện theo dự án, có các cơ cấu loại hình, diện tích nhà ở phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đối với các khu vực còn lại thì căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể các địa điểm, vị trí phải phát triển nhà ở theo dự án. Tại đô thị loại I, tại các phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt thì chủ yếu phát triển nhà chung cư.

Tại các khu vực phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê. Đối với các khu vực còn lại, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương để xác định các khu vực chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê hoặc được chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức phân lô bán nền để cá nhân tự xây dựng nhà ở; trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở thì thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật về đất đai; trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Đất đai thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê../.