1. Trợ giúp trong lĩnh vực tư pháp

Người khuyết tật có khó khăn về tài chính thuộc một trong các đối tượng được trợ giúp pháp lý và hưởng các quyền:

- Được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.

- Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý.

- Được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan.

-  Yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý.

- Lựa chọn một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật Trợ giúp pháp lý.

- Thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.

-  Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

- Khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật:

Luật Người khuyết tật 2010 quy định về vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật. Theo đó, từ Điều 21 đến Điều 26 Luật Người khuyết tật quy định về những ưu đãi trong vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật.
Tại nơi cư trú Trạm y tế cấp xã là cơ quan có trách nhiệm đối với việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người khuyết tật. Người khuyết tật sẽ được Trạm y tế cấp xã cung cấp các dịch vụ sau: 

- Được tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật;

- Được hướng dẫn phương pháp phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng;

- Được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe; 

- Được khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với phạm vi chuyên môn của Trạm y tế cấp xã.

3. Chính sách trợ cấp xã hội: Người khuyết tật đặc biệt nặng (trừ Người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội); Người khuyết tật nặng là đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

- Về đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng bao gồm: Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó; Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng; Người khuyết tật quy định trên đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

- Theo Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 30/3/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Cà Mau thì mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn tỉnh Cà Mau là 360.000 đồng/tháng.

Mức trợ giúp xã hội cho đối tượng trên là: 

- Hệ số 2,0 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng;

- Hệ số 2,5 đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng;

- Hệ số 1,5 đối với người khuyết tật nặng;

- Hệ số 2,0 đối với trẻ em khuyết tật nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng.

Cách tính trợ cấp: Mức bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội nhân với hệ số tương ứng.

4. Chính sách văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch và dịch vụ giao thông công cộng (Nghị định 28/2012/NĐ-CP Ngày 10/4/2012)

- Người khuyết tật đặc biệt nặng được miễn giá vé, giá dịch vụ khi trực tiếp sử dụng dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch tại các cơ sở văn hóa, thể thao sau đây: 

Bảo tàng, di tích văn hóa - lịch sử, thư viện và triển lãm;

Nhà hát, rạp chiếu phim;

Các cơ sở thể thao khi diễn ra các hoạt động thể dục, thể thao trong nước;

Các cơ sở văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch khác.

- Người khuyết tật nặng được giảm tối thiểu 50% giá vé, giá dịch vụ khi trực tiếp sử dụng dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch tại các cơ sở văn hóa, thể thao nêu trên.

(Ảnh minh hoạ, nguồn www.mt.gov.vn)

5. Chính sách dịch vụ giao thông công cộng

- Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng được miễn giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng xe buýt.

- Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng được giảm giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông trên các tuyến vận tải nội địa bằng các phương tiện sau đây:

Giảm tối thiểu 15% đối với máy bay;

 Giảm tối thiểu 25% đối với tàu hỏa, tàu điện, tàu thủy, xe ô tô vận tải khách theo tuyến cố định.

* Trên địa bàn tỉnh Cà Mau theo Quyết định số 35/2018/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Quy định về hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị và tỷ lệ phương tiện vận tải hành khách đáp ứng nhu cầu đi lại của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Cà Mau, quy định:

- Đến năm 2025, đạt tỷ lệ ít nhất 15% phương tiện xe buýt phục vụ người khuyết tật (hoặc phương tiện xe buýt có thiết kế lối lên, xuống thuận tiện cho người khuyết tật) trên tổng số phương tiện xe buýt thuộc quyền quản lý của đơn vị vận tải tham gia vận tải hành khách bằng xe buýt.

- Đến năm 2030, đạt tỷ lệ ít nhất 20% phương tiện xe buýt phục vụ người khuyết tật (hoặc phương tiện xe buýt có thiết kế lối lên, xuống thuận tiện cho người khuyết tật) trên tổng số phương tiện xe buýt thuộc quyền quản lý của đơn vị vận tải tham gia vận tải hành khách bằng xe buýt.

- Các nhà chờ (trạm dừng) của xe buýt phải xây dựng lối lên, xuống thuận tiện cho xe lăn, xe lắc và phải có vị trí dành riêng cho người khuyết tật.

- Trẻ em dưới 06 tuổi và người khuyết tật khi đi xe buýt được miễn giá vé./.

Hứa Nguyên