Với phương châm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện bám sát chương trình, kế hoạch với các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 23/10/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau và Đề án đổi mới công tác Trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 – 2025.   

Công tác trợ giúp pháp trên địa bàn tỉnh Cà Mau 06 tháng đầu năm 2024 tiếp tục đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhất là đã tiếp nhận, trợ giúp pháp lý 680 vụ việc (trong đó có 299 vụ việc tham gia tố tụng); công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý được các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng quan tâm giới thiệu đến Trung tâm nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng, nhất là lĩnh vực pháp luật hình sự từ giai đoạn điều tra 71 vụ việc (Tòa án nhân dân chuyển đến là 04 vụ, Công an chuyển đến là 67 vụ) với đối tượng được trợ giúp pháp lý  là người nghèo, người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người có công với cách mạng, trẻ em, người khuyết tật…

Chất lượng vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý được nâng lên rõ nét, có Trợ giúp viên pháp lý có vụ việc đạt các tiêu chí thành công, hiệu quả với tỷ lệ trên 80% so với tổng số vụ việc tham gia đã hoàn thành. Cụ thể có 46 vụ án lĩnh vực pháp luật hình sự được tuyên mức án thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân; rất nhiều vụ việc lĩnh vực pháp luật dân sự được Hội đồng xét xử tuyên chấp nhận theo hướng có lợi cho người được trợ giúp pháp lý.

Bên cạnh đó Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã phối hợp với Báo Cà Mau thực hiện 03 chuyên đề tuyên truyền pháp luật về trợ giúp pháp lý trên Báo Cà Mau Online và truyền hình Online. Bằng các hoạt động nghiệp vụ của Trợ giúp viên pháp lý trong quá trình giải quyết vụ án, với sự tận tâm, nhiệt huyết, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, Trợ giúp viên pháp lý đã bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng, góp phần nâng cao trách nhiệm và chất lượng giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp oan sai, không vô tư, khách quan trọng hoạt động tố tụng, làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, dân sự theo quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người được trợ giúp pháp lý, giáo dục, cải tạo, răn đe và phòng ngừa tội phạm…Các hoạt động trợ giúp pháp lý được các ngành thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở tỉnh Cà Mau ghi nhận và đánh giá cao “Sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý đã làm sáng tỏ nhiều tình tiết khách quan của vụ án, góp phần nâng cao trách nhiệm và chất lượng giải quyết vụ án của các cơ quan tố tụng các cấp, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp oan sai; giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, dân sự, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người được trợ giúp pháp lý; nhiều vụ việc có Trợ giúp viên pháp lý đã tư vấn, giải thích pháp luật, các đương sự hòa giải thành công ngay tại Tòa án.

Thời gian tới, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, đạo dức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, bản lĩnh nghề nghiệp của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý nhằm đáp ứng nhu cầu được trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý ngày càng tăng; đồng thời duy trì hoạt động kiểm tra, giám sát vụ việc trợ giúp pháp lý hình thức tham gia tố tụng…/.

Hạnh Nguyên