(Sở Tư pháp tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng hoà giải ở cơ sở)

Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chương trình, kế hoạch cụ thể trên từng lĩnh vực công tác đảm bảo thực hiện Chương trình đã được phê duyệt. Đồng thời quán triệt thực hiện tốt chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Tư pháp tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, triển khai công tác năm 2023 bám sát phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Từ đó, công tác Tư pháp trong 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh đã được triển khai thống nhất, đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đã đạt hiệu quả cao trong nhiều nhiệm vụ được giao một cách nổi bật như:

Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã Kịp thời quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng pháp luật, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật; Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả theo dõi thi hành pháp luật; phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác tham mưu xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND các cấp; tổ chức triển khai thực hiện đúng quy định, có chất lượng công tác rà soát hệ thống hóa VBQPPL kỳ 2019 – 2023. Qua đó các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đều được xây dựng, góp ý, thẩm định và trình thông qua, ban hành đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật. Sở Tư pháp đã thành lập 06 Hội đồng tư vấn thẩm định và thẩm định 33 dự thảo. Trong đó 04 hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết, 12 dự thảo nghị quyết, 17 dự thảo quyết định tăng 04 văn bản. Cùng với đó Sở Tư pháp thực hiện góp ý 263 văn bản, tăng 40 văn bản so cùng kỳ. Công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tại cấp huyện cũng thường xuyên được đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra. Chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật giữa cấp huyện với văn bản của cấp trên.

Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật được triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh trên cơ sở các văn bản đã được UBND tỉnh ban hành cho năm 2023, như: Tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương ban hành Quyết định ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh; ban hành Kế hoạch, Quyết định kiểm tra công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính, đồng thời chỉ đạo UBND cấp huyện, xã ban hành Kế hoạch về xử lý vi phạm hành chính để thực hiện tại địa phương và hướng dẫn nghiệp vụ về xử lý vi phạm hành chính. Thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi thi hành pháp luật, tỉnh đã ban hành Kế hoạch trong lĩnh vực trọng tâm liên ngành năm 2023 và Phối hợp với Báo Cà Mau tuyên truyền pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2023. Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật; kịp thời tổng kết 05 năm thực hiện “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn 2018-2022 và điều tra, khảo sát, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục được triển khai đa dạng về nội dung và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp và các thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật đã tổ chức 7.625 cuộc tập huấn nâng kiến thức pháp luật cho 148.022 lượt người dự (trong đó riêng các cơ quan công an tổ chức 5.259 cuộc với số lượng 36.666 người tham dự); cấp phát 178.174 tài liệu, tờ rơi, sách pháp luật; đăng tải trên internet 3.331 tin, bài giới thiệu pháp luật; tổ chức 13 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 301.198 lượt người tham dự.  

(Lễ phát động các Cuộc thi tìm hiểu pháp luật năm 2023)

Triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp đã tham mưu và chủ trì tổ chức 04 Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật, giới thiệu Đề cương về văn hóa Việt Nam; quy định về bảo vệ môi trường; chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thu hút 302.327 lượt tham gia thi. Đăng tải 7.198 tin bài trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau; Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh; Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành tỉnh; phát sóng 255 chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật trên sóng truyền hình tỉnh; đăng tải 1.200 tin bài phổ biến, giáo dục pháp luật trên mạng xã hội.  

Ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật là một nội dung trong Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin; Kế hoạch thực hiện Đề án Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch thực hiện chuyển đổi số năm 2023 của Sở Tư pháp. Hiện Sở Tư pháp đang ứng phần mềm quản lý văn bản (iOffice), chữ ký số được áp dụng để trao đổi văn bản điện tử nội bộ cơ quan và giữa các cơ quan của tỉnh. Các sáng kiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Nhiều cơ quan, đơn vị xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình, hình thức PBGDPL và phát huy hiệu quả khá tốt, điển hình một số mô hình như: “Tuyến an toàn giao thông cho người tham gia giao thông”, “Tổ tuyên truyền cơ động”, “tuyến sông an toàn”, “tuyên truyền các quy định về phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép” (của Công an tỉnh); mô hình “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, “Vươn khơi, bám biển” của Hội nông dân; mô hình về môi trường; mô hình về an toàn thực phẩm; mô hình về giảm nghèo (của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh); mô hình “Câu lạc bộ Nông dân với Pháp luật” (của Hội nông dân tỉnh); mô hình “hỗ trợ thanh niên yếu thế”, “Phòng, chống ma túy cho thanh thiếu niên”, “Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội”, “Ánh sáng an ninh”, “Tiết học an toàn giao thông”, “Tuyến đường thanh niên tự quản về an ninh trật tự”, “Thắp sáng đường quê bằng đèn năng lượng mặt trời kết hợp xây dựng tuyến đường xanh - sạch - đẹp - an toàn giao thông”, mô hình “Tiếng loa Biên phòng”, “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án về pháp luật” (của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) ... qua đó góp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Ngoài ra để tìm kiếm và nhân rộng các mô hình hay về công tác PBGDPL, tỉnh đã tổ chức 01 Cuộc thi viết “Sáng kiến, mô hình, giải pháp trong công tác PBGDPL”, diễn ra từ ngày 06/6/2023 đến hết ngày 6/7/2023

Công tác quản lý nhà nước về hộ tịch tiếp tục được tăng cường, triển khai thực hiện, thường xuyên rà soát, chuẩn hóa các thủ tục hành chính về hộ tịch để kịp thời niêm yết công khai tại Bộ phận Một cửa tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện thủ tục hành chính. Sở Tư pháp đã thực hiện cung cấp 04 dịch vụ công thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch và lý lịch tư pháp. Đồng thời, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh hoàn thành việc kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công - Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh với Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch và Hệ thống lý lịch tư pháp dùng chung để thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả các thủ tục hành chính thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch, lý lịch tư pháp.  Đến nay, yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân cơ bản được giải quyết kịp thời; trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch được cải cách đơn giản hóa và cắt giảm nhiều giấy tờ không cần thiết, thời gian giải quyết được rút ngắn, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân không có hồ sơ trễ hạn; tình trạng đăng ký khai sinh quá hạn hoặc trẻ em không được đăng ký khai sinh đã được khắc phục. Trong 6 tháng đầu năm, đã tiếp nhận, giải quyết 5.954 hồ sơ thủ tục hành chính (không có hồ sơ trễ hạn), trong đó: Hồ sơ trực tuyến 3.467, chiếm 58,22% và qua bưu chính công ích 2.487 hồ sơ, chiếm 41,77%.

Công quản quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cũng đạt những kết quả đáng ghi nhận. Đơn cử như hoạt động trợ giúp pháp lý tiếp nhận 705 vụ, tăng 223 so với cùng kỳ. Trong đó, cử tham gia tố tụng 285 vụ (Trợ giúp viên 220 vụ và Luật sư 65 vụ). Thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023 trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp phối hợp với Báo Cà Mau ban hành Kế hoạch phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên Báo Cà Mau năm 2023.

Công tác xây dựng Ngành; đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, sắp xếp kiện toàn trên cơ sở Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp đã được UBND tỉnh Cà Mau ban hành kèm theo Quyết định số 28/2021/QĐ-UBND ngày 05/10/2021 trên cơ sở Thông tư hướng dẫn Bộ trưởng Bộ Tư pháp; tiếp tục tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức Phòng Công chứng số 1 đảm bảo tự chủ để thực hiện; kịp thời quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo quản đảm bảo đám ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Công tác thi đua, khen thưởng được thực hiện kịp thời nhằm động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiếp tục thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.

Phát huy những kết quả tích cực đạt được, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2023, Sở Tư pháp tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, bám sát chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; trong đó chú trọng bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội; chỉ đạo quyết liệt thực hiện các kế hoạch công tác; kịp thời chỉ đạo hướng dẫn, giải đáp các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc, xử lý những vấn đề phát sinh từ cơ sở; chỉ đạo trong việc nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã trong công tác tư pháp, pháp chế của tỉnh. Tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức về chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức; bố trí đội ngũ công chức, viên chức hợp lý, phù hợp vị trí việc làm để phát huy tốt năng lực công tác của từng cá nhân. Chủ động hơn nữa trong việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số vào công tác của Ngành, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành, chế độ thông tin, thống kê, báo cáo, gửi/nhận văn bản điện tử và cung cấp dịch vụ công cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.Tăng cường đoàn kết, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, gắn với kỷ luật, kỷ cương hành chính; tiếp tục đổi mới tư duy, lề lối làm việc khoa học, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn; kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân nỗ lực, đạt kết quả cao trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao để đưa công tác tư pháp tỉnh nhà ngày càng phát triển bền vững.

https://sotuphap.camau.gov.vn/wps/portal/1dmy&page=trangchitiet&urile=wcm%3apath%3a/sotuphaplibrary/sotuphapsite/noidungtrangrss/tintucsukien/sukienchuyennganh/tin+04-a.7.5-04.7.2023

Nguồn: sotuphap.camau.gov.vn