Theo đó, Thông tư này hướng dẫn việc thực hiện các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật, bao gồm: xây dựng, ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật; kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật; điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật; thu thập, tiếp nhận, xử lý thông tin tình hình thi hành pháp luật; xem xét, đánh giá và xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật; báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; phối hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước và cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Tại Điều 10 Thông tư này đã có hướng dẫn cụ thể về cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật như sau:

1. Cá nhân là chuyên gia, nhà khoa học được huy động tham gia hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo cơ chế cộng tác viên quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 59/2012/NĐ-CP phải đáp ứng được các tiêu chuẩn sau đây:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kỷ luật, người đang chấp hành hình phạt, đang bị quản chế hành chính.

- Tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật hoặc đại học chuyên ngành khác phù hợp với lĩnh vực theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

- Có trình độ, kinh nghiệm công tác từ 03 năm trở lên trong lĩnh vực chuyên ngành phù hợp vói công việc mà cơ quan theo dõi thi hành pháp luật yêu cầu.

2. Cơ quan nhà nước thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật có thể huy động sự tham gia của cộng tác viên trong các hoạt động sau đây:

- Xây dựng mẫu phiếu khảo sát; xử lý kết quả điều tra, khảo sát; tổng hợp, phân tích, xây dựng báo cáo kết quả điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật và các hoạt động khác về điều tra, khảo sát.

- Thu thập thông tin; rà soát, đối chiếu tính chính xác, phù hợp của thông tin; đưa ra những ý kiến nhận xét, đánh giá trong việc xử lý thông tin.

- Xây dựng báo cáo kết quả xử lý thông tin. Báo cáo phải đưa ra nhận định, đánh giá khách quan, chính xác về tình hình thi hành pháp luật và đưa ra những kiến nghị phù hợp đối với thông tin thu thập được.

3. Ký hợp đồng với cộng tác viên

- Cơ quan nhà nước thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật ký hợp đồng theo tùng vụ việc cụ thể với những cá nhân có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này.

Thù lao cho cộng tác viên theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc chi trả thù lao cho cộng tác viên căn cứ vào các hoạt động, kết quả công việc mà cộng tác viên đã thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

- Nội dung hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật và cộng tác viên tuân theo quy định của pháp luật về hợp đồng.

- Cơ quan nhà nước thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật và cộng tác viên có trách nhiệm thanh lý hợp đồng cộng tác sau khi kết thúc công việc và làm các thủ tục thanh quyết toán theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10/8/2021. Thông tư này bãi bỏ Chương 2Chương 3 Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 15/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi thi hành pháp luật và Khoản 2 Điều 2Khoản 2 Điều 3Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 16/2018/TT-BTP ngày 14/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật./.

Phúc Thọ