Bà Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở tại huyện Ngọc Hiển

Dự các hội nghị tập huấn, có bà Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, các tập huấn viên cấp tỉnh, lãnh đạo UBND và Phòng Tư pháp các huyện và có gần 700 đại biểu là đại diện UBND cấp xã, đại diện Ủy ban MTTQVN cấp xã, công chức Tư pháp - hộ tịch cấp xã và hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn các huyện: Trần Văn Thời, Ngọc Hiển, Năm Căn và thành phố Cà Mau.  

Đại biểu tham dự lớp tập huấn được các Báo cáo viên tỉnh hướng dẫn chuyên sâu nghiệp vụ, kỹ năng hoà giải, kỹ năng về tiếp cận thông tin về vụ, việc hoà giải; khai thác thông tin, tài liệu, chứng cứ về vụ việc; vận dụng pháp luật, phong tục, tập quán trong hoạt động hoà giải; kỹ năng tư vấn, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục, vận động các bên tự thoả thuận, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp; kỹ năng tổ chức, điều hành, kiểm soát buổi hòa giải; ghi biên bản hòa giải đảm bảo đầy đủ nội dung quy định của pháp luật…

Đại biểu dự hội nghị tập huấn tại huyện Trần Văn Thời.

Bên cạnh đó, lớp tập huấn còn triển khai một số văn bản pháp luật liên quan, điều chỉnh các quan hệ pháp luật thường phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư cho các hòa giải viên nghiên cứu, áp dụng. Hướng dẫn phương pháp, cách thức tiến hành hoà giải và trao đổi, thảo luận, thực hành giải quyết một số tình huống cụ thể; triển khai, hướng dẫn thực hiện mô hình tổ hòa giải ở cơ sở 5 tốt.  Giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho các hòa giải viên. Nhân Hội nghị, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã thông tin một số quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý cho các hòa giải viên. 

Đại biểu dự hội nghị tập huấn tại thành phố Cà Mau

Phát biểu và triển khai, tập huấn tại các lớp, bà Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp nhấn mạnh: công tác Hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, nhằm duy trì đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần  đảm bảo an ninh – trật tự, giảm số vụ việc phải đưa ra Tòa án và các cơ quan nhà nước giải quyết; tiết kiệm thời gian, chi phí của Nhà nước và của Nhân dân. Thông qua các lớp tập huấn này, Sở Tư pháp mong muốn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở tiếp tục phát huy năng lực, vận dụng kiến thức pháp luật và kỹ năng để hòa giải kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; góp phần tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

 

Huỳnh Quỳnh