(Mục tiêu của Đề án thu hút các dự án đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 trên 200 dự án - ảnh nguồn camau.gov.vn)

Theo đó, mục tiêu chung nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, người dân. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19; kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh; nâng cao năng lực cạnh trạnh của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mục tiêu cụ thể: Thu hút các dự án đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 trên 200 dự án, giai đoạn 2026 - 2030 là trên 400 dự án, định hướng đến năm 2030 toàn tỉnh thu hút được trên 600 dự án với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm. Lũy kế tổng số dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2025 là trên 500 dự án, đến năm 2030 là trên 1.000 dự án.

 Số lượng doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2021 - 2025 có trên 2.000 doanh nghiệp, giai đoạn 2026 - 2030 có trên 3.000 doanh nghiệp, định hướng đến năm 2030 số lượng doanh nghiệp thành lập mới là trên 5.000 doanh nghiệp với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9%/năm. Lũy kế tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2025 là trên 6.000 doanh nghiệp, lũy kế đến năm 2030 có trên 10.000 doanh nghiệp.

Bám sát và thực hiện có hiệu quả nội dung Nghị quyết số 02/NQ-CP hàng năm của Chính phủ; phấn đấu gia tăng về thứ hạng và duy trì, phát huy tốt nhóm xếp hạng PCI của tỉnh Cà Mau so với các tỉnh, thành phố cả nước, cụ thể: Đối với nhóm các chỉ số thành phần có điểm số, thứ hạng đang giảm và thấp hơn điểm số trung bình cả nước cần tập trung cải thiện mạnh; đối với nhóm chỉ số thành phần có điểm số, thứ hạng đang tăng và cao hơn điểm số trung bình cả nước cần chú trọng phát huy thêm. Giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu tăng 5 -15 hạng (xếp hạng 28-38/63, thuộc nhóm trung bình đến khá; định hướng đến năm 2030 phấn đấu thuộc nhóm xếp hạng khá đến tốt. Cải thiện tích cực các Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).

Tỷ lệ đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư về giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến các đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng, thuế, hải quan, tranh chấp thương mại và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp luôn đạt tỷ lệ trên 90%.

Đề án cũng đề ra các nhóm giải pháp để thực hiện đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra./.

Ngọc Phạm