Trưởng Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đề nghị Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình phối hợp số 03/CTPH-BCA-BGDDT ngày 22/01/2024 giữa Bộ Công an với Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024 – 2030, ngay từ đầu học kỳ II năm học 2023 – 2024. Quá trình xây dựng kế hoạch, cần căn cứ vào đặc điểm, tình hình thực tế của tỉnh và trao đổi trực tiếp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Cơ quan Thường trực phòng, chống ma túy của Bộ Công an để đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, giao tiến độ hoàn thành, phân định rõ trách nhiệm mỗi ngành, mỗi cấp để tổ chức triển khai thực hiện. Nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền bố trí kinh phí từ nguồn kinh phí thường xuyên và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong chương trình phối hợp bảo đảm tính khả thi, hiệu quả.


Chỉ đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Công an tỉnh) và công an cấp huyện, cấp xã phối hợp với các đơn vị của ngành Giáo dục và Đào tạo cùng cấp xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc chương trình phối hợp; gắn trách nhiệm và đôn đốc thực hiện công việc được phân công theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả”. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kéo giảm “nguồn cầu” ma túy, tập trung vào công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, hạn chế tới mức thấp nhất số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy phát sinh mới, nhất là cán bộ, công chức làm việc trong các cơ sở giáo dục, học sinh, sinh viên trong các nhà trường.


Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy các cấp tăng cường phối hợp các đơn vị nghiệp vụ thường xuyên trao đổi thông tin, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy tại các cơ sở giáo dục. Phối hợp rà soát, phát hiện các trường hợp người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy là cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên để tổ chức đưa đi cai nghiện hoặc quản lý theo quy định. Tăng cường kiểm tra, phát hiện các hành vi mua bán các loại ma túy, nhất là ma túy “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy xung quanh các trường học, trên không gian mạng, các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công an tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình phối hợp; hướng dẫn các trường đại học, cao đẳng, trung cấp phối hợp Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh), Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện phối hợp với Công an cấp huyện xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để triển khai các nội dung của chương trình phối hợp; trong đó, quy định mỗi cơ sở giáo dục phải bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật phòng, chống ma tuý tại đơn vị. Tổ chức nắm thông tin về thực trạng tệ nạn ma túy và công tác phòng, chống ma túy tại các nhà trường. Chủ động phối hợp với Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê danh sách cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên có liên quan đến tệ nạn ma tuý để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức cai nghiện hoặc tổ chức quản lý theo quy định đối với các trường hợp là cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên nghiện ma túy hoặc sử dụng trái phép chất ma túy; kịp thời phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ sử dụng trái phép chất ma túy để tư vấn, giúp đỡ.


Hướng dẫn các trường phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên. Xây dựng tài liệu tuyên truyền và triển khai đến các cơ sở giáo dục bằng hình thức phù hợp. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ đoàn, đội các nội dung về phòng, chống ma tuý và hình thức tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa để thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy trong các nhà trường. Tăng cường trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy. Cung cấp số điện thoại, đường dây nóng tiếp nhận những thông tin phản ánh của giáo viên, học sinh, sinh viên về phòng, chống ma tuý để tư vấn, hỗ trợ hoặc có biện pháp xử lý phù hợp.

Sở Y tế; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện tốt công tác xác định tình trạng nghiện; tổ chức tập huấn, trang bị phương tiện, cơ sở vật chất cho trạm y tế cấp xã, đảm bảo đáp ứng nhu cầu công tác xác định tình trạng nghiện ma túy trên địa bàn, nhất là tại các khu vực có nhiều cơ sở giáo dục, tập trung đông học sinh, sinh viên. Chủ động, phối hợp với các cơ sở giáo dục trong việc tổ chức cai nghiện ma túy cho các trường hợp người nghiện là cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên theo quy định. Tạo cơ chế phù hợp để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện cho người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi; các hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Các cơ quan, đơn vị còn lại là thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các nội dung, nhiệm vụ trong chương trình đảm bảo đạt hiệu quả.


Ban Chỉ đạo 138 các huyện, thành phố Cà Mau chủ động theo dõi, đôn đốc các đơn vị thành viên ban chỉ đạo cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chương trình phối hợp tại địa bàn cơ sở./.

Ngọc Phạm