Xác định quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phát huy tiềm năng, lợi thế của rừng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.

Quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất hiện có và diện tích rừng được trồng mới. Phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường và hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ven biển; chống xói lở, suy thoái đất; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, thu nhập cho người dân ở khu vực có rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.

Lực lượng kiểm lâm giữ vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu tổ chức thực hiện; các ban quản lý rừng, các vườn quốc gia, các công ty lâm nghiệp chịu trách nhiệm trực tiếp trong công tác bảo vệ, phát triển rừng; các ngành chức năng liên quan, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp; người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về lãnh đạo, quản lý, điều hành và kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương và các nhiệm vụ được giao.

Đến năm 2030: Diện tích có rừng tập trung đạt 96.000 ha, diện tích rừng trồng mới bình quân 300 ha/năm, diện tích rừng sản xuất thâm canh đạt 30.000 ha, diện tích rừng - tôm có chứng nhận quốc tế đạt 38.000 ha; duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 18,5%.

Các cấp ủy, chính quyền tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đổi mới, đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật, cơ chế chính sách về lâm nghiệp, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức cấp xã, kiểm lâm địa bàn và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, nhằm tạo sự chuyển biến trong cả hệ thống chính trị.

Nâng cao năng lực các chủ rừng, cơ quan quản lý tại địa phương trong phát triển rừng bền vững; trong đó phổ biến các yêu cầu của thị trường quốc tế về nguyên liệu gỗ có chứng nhận quản lý rừng bền vững, về gỗ hợp pháp và quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR) thông qua các lớp đào tạo kỹ thuật về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, xây dựng, cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời, đồng bộ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng theo thẩm quyền, đảm bảo sự lãnh đạo tập trung của các cấp ủy, sự điều hành thống nhất, chặt chẽ, thường xuyên, có hiệu quả của các cấp chính quyền, phát huy trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ rừng.

Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tạo vùng rừng nguyên liệu tập trung chất lượng cao. Nghiên cứu, đề xuất thí điểm thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai, hỗ trợ đầu tư hạ tầng để thực hiện các dự án xây dựng các khu, vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa trong lâm nghiệp; cơ chế, chính sách khuyến khích các mô hình đầu tư theo các hình thức hợp tác công tư trong phát triển sản xuất lâm nghiệp.

Khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn có năng lực về tài chính và khoa học công nghệ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp gắn với chế biến xuất khẩu. Khẩn trương hoàn thiện công tác giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để ổn định sản xuất theo quy định của pháp luật. Giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong quản lý sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh, đất khoán trong ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang. Đa dạng hóa các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh lâm nghiệp theo hướng sản xuất xanh, bền vững, tuần hoàn

Tăng cường hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất thông qua nâng cao năng lực và vai trò của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, của nông dân từ các khâu cung cấp dịch vụ đầu vào, khai thác, chế biến lâm sản và thị trường tiêu thụ.

Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo hướng đa mục tiêu, đa giá trị trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng. Chuyển dần diện tích trồng rừng sản xuất tại U Minh Hạ theo hướng trồng rừng gỗ lớn thâm canh chất lượng cao gắn với chứng nhận quản lý rừng bền vững.

Phát triển chế biến lâm sản gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó tăng cường ứng dụng công nghệ cao, tăng chế biến tinh, chế biến sâu, giảm chi phí trung gian nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Phát triển mô hình rừng - tôm sinh thái kết hợp với dịch vụ, du lịch tại khu vực rừng ngập mặn; phát huy giá trị Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau (Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, rừng phòng hộ Biển Tây,...). Tạo điều kiện để người dân, hộ gia đình được giao, nhận khoán đất rừng tham gia khai thác, phát triển loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng và thực hiện các giải pháp, mô hình tạo sinh kế bền vững cho các hộ gia đình được giao, nhận khoán rừng, đất rừng, để nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, góp phần nâng cao trách nhiệm, ý thức của cộng đồng dân cư trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng về cảnh quan, tài nguyên rừng nhằm thu hút các nguồn đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Hoàn thiện hồ sơ quản lý rừng trên địa bàn toàn tỉnh; phân định, cắm mốc ranh giới quản lý rừng trên bản đồ và thực địa đối với các loại rừng, chủ quản lý rừng; cập nhật cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng phục vụ theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp, ngăn chặn và xử lý nghiêm, kịp thời tình trạng lấn, chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích. Quản lý, giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác 

Kiện toàn tổ chức các đơn vị trực tiếp quản lý rừng, xây dựng và nâng cao năng lực hoạt động cho lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, bảo đảm là lực lượng thường xuyên, sẵn sàng ứng phó, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ vi phạm pháp luật và các sự cố xảy ra. Nhà nước ưu tiên bố trí đủ ngân sách cho công tác quản lý bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, đơn vị, lực lượng kiểm lâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về quản lý, bảo vệ rừng; chịu trách nhiệm đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý hoặc để các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Xử lý dứt điểm những tồn đọng trong tranh chấp đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh trong quá trình sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp.

Vận dụng sáng tạo, linh hoạt các cơ chế, chính sách để khuyến khích, phát triển hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào lĩnh vực lâm nghiệp; huy động mạnh mẽ nguồn vốn xã hội, vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ trong lâm nghiệp và sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp kết hợp.

                                                               Thanh Tòng