2. Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2024 và thay thế Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND ngày 28/3/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
3. Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành: Thực hiện quy định tại khoản 6 Điều 62, khoản 7 Điều 72, khoản 2 và khoản 6 Điều 75, khoản 6 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 Ủy ban nhân tỉnh ban hành Quyết định số 07/2024/QĐ-UBND ngày 28/3/2024 ban hành Quy định về quản lý chất thải và thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Cà Mau là cần thiết.
- Mục đích ban hành: Việc xây dựng và ban hành Quyết định quy định về quản lý chất thải và thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Cà Mau sẽ tạo ra sự thống nhất về quản lý chất thải cũng như các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong công tác quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường sự tham gia, phối hợp của các sở, ban, ngành tỉnh, các cấp chính quyền và doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
4. Nội dung chủ yếu: Quyết định ban hành Quy định về quản lý chất thải và thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Cà Mau, gồm 03 Chương và 29 Điều quy định các nội dung: Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế; quản lý chất thải và thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động quản lý chất thải; khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh; quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
4.1. Phân loại, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp
a) Phân loại:
Chất thải công nghiệp thông thường là chất thải công nghiệp, được phân loại theo mã và ký hiệu phân loại là “TT” tại Phụ lục III Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (sau đây gọi là Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT);
Chất thải công nghiệp phải kiểm soát là chất thải công nghiệp, được phân loại theo mã và ký hiệu phân loại là “KS” tại Phụ lục III Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.
b) Lưu giữ:
Chất thải công nghiệp thông thường phải được lưu giữ riêng theo loại đã được phân loại; không để lẫn với chất thải nguy hại; không làm phát tán bụi, rò rỉ; đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về thiết bị, dụng cụ lưu chứa, kho chứa hoặc khu vực lưu giữ theo quy định tại Điều 33 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT;
Chất thải công nghiệp phải kiểm soát được lưu giữ đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật như đối với chất thải công nghiệp thông thường, trừ trường hợp đã được phân định là chất thải nguy hại thì được lưu giữ như chất thải nguy hại.
c) Vận chuyển:
Chất thải công nghiệp thông thường phải được vận chuyển theo loại sau khi đã phân loại; đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về phương tiện vận chuyển và mẫu biên bản bàn giao theo quy định tại Điều 34 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT;
Chất thải công nghiệp phải kiểm soát được vận chuyển đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật như đối với chất thải công nghiệp thông thường, trừ trường hợp đã được phân định là chất thải nguy hại thì được vận chuyển như chất thải nguy hại.
d) Xử lý:
- Chất thải công nghiệp thông thường:
Chất thải công nghiệp thông thường có khả năng tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất thì được quản lý như sản phẩm, hàng hóa;
Chất thải công nghiệp thông thường (bao gồm cả tro, xỉ, thạch cao được phân định là chất thải rắn thông thường) đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật do Bộ Xây dựng ban hành thì được quản lý như sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng;
Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ quan, tổ chức có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường phải tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý hoặc chuyển giao cho các đối tượng sau: Cơ sở sản xuất sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất, sản xuất vật liệu xây dựng hoặc san lấp mặt bằng được phép hoạt động theo quy định của pháp luật; Cơ sở sản xuất có chức năng đồng xử lý chất thải phù hợp; Cơ sở xử lý chất thải công nghiệp thông thường có chức năng phù hợp; Cơ sở vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường đã có hợp đồng chuyển giao với các cơ sở thuộc các đối tượng vừa nêu.
- Chất thải công nghiệp phải kiểm soát:
Khi được phân định là chất thải thông thường thì được xử lý như chất thải công nghiệp thông thường;
Khi được phân định là chất thải nguy hại hoặc khi chưa phân định thì được xử lý như chất thải nguy hại.
4.2. Phân loại, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại
a) Phân loại:
Chất thải nguy hại phải được phân định theo mã, danh mục và ngưỡng chất thải nguy hại quy tại Phụ lục III Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT;
Chất thải nguy hại phải được phân loại bắt đầu từ thời điểm đưa vào khu vực lưu giữ tại cơ sở phát sinh chất thải nguy hại hoặc khi chuyển giao chất thải nguy hại cho cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật;
Chất thải nguy hại được tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng tại cơ sở theo nội dung giấy phép môi trường đã được cấp thì được lựa chọn phân loại hoặc không phân loại chất thải nguy hại tại cơ sở phát sinh chất thải nguy hại.
b) Lưu giữ:
Chất thải nguy hại phải được lưu giữ riêng theo loại đã được phân loại; không để lẫn chất thải nguy hại với chất thải thông thường; không làm phát tán bụi, rò rỉ chất thải lỏng ra môi trường và chỉ được lưu giữ trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định;
Khu vực lưu giữ chất thải nguy hại đối với cơ sở phát sinh chất thải nguy hại: Không bắt buộc phải xây dựng dưới dạng kho. Tuy nhiên, phải có đầy đủ thiết bị, dụng cụ phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy; có vật liệu hấp thụ (như cát khô hoặc mùn cưa) và xẻng để sử dụng trong trường hợp rò rỉ, rơi vãi, đổ tràn chất thải nguy hại ở thể lỏng; có biển dấu hiệu cảnh báo, phòng ngừa phù hợp với loại chất thải nguy hại được lưu giữ theo tiêu chuẩn Việt Nam về dấu hiệu cảnh báo liên quan đến chất thải nguy hại và có kích thước tối thiểu 30 cm mỗi chiều. Khu lưu giữ chất thải nguy hại phải đảm bảo không chảy tràn chất lỏng ra bên ngoài; tuân thủ yêu cầu kỹ thuật về bao bì đựng chất thải nguy hại và thiết bị lưu chứa chất thải nguy hại quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 35 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT;
Khu vực lưu giữ chất thải nguy hại đối với chủ xử lý chất thải nguy hại hoặc trạm trung chuyển chất thải nguy hại: Phải đáp ứng các yêu cầu tại khoản 3 Điều 36 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT và trang bị các thiết bị, dụng cụ, vật liệu theo quy định tại khoản 7 Điều 36 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT. Đồng thời, bao bì, thiết bị lưu chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 36 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT;
Khu vực lưu giữ chất thải nguy hại trên tàu thủy, xà lan phải đảm bảo các yêu cầu theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.
c) Vận chuyển:
Tổ chức, cá nhân được phép vận chuyển chất thải nguy hại bao gồm: Chủ nguồn thải chất thải nguy hại có phương tiện, thiết bị phù hợp đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Cơ sở được cấp giấy phép môi trường có chức năng xử lý chất thải nguy hại phù hợp với loại chất thải cần vận chuyển, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm thu gom, tái chế chất thải nguy hại là các sản phẩm, bao bì thuộc Danh mục sản phẩm, bao bì quy định tại Phụ lục XXII Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (sau đây gọi là Nghị định số 08/2022/NĐ-CP) thì không cần phải có giấy phép môi trường có nội dung xử lý chất thải nguy hại;
Phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại phải được lắp đặt thiết bị định vị và tuân thủ các yêu cầu sau: Xe tải thùng hở phải phủ bạt kín che nắng, mưa trong quá trình thu gom, lưu chứa, vận chuyển chất thải nguy hại; xe tải bồn (xe xitéc) và khoang chứa tàu thủy đối với chất thải nguy hại ở thể lỏng phải có biện pháp kiểm soát bay hơi; xe mô tô, xe gắn máy phải có thùng chứa và được gắn chặt trên giá để hàng (phía sau vị trí ngồi lái) của xe mô tô, xe gắn máy. Kích thước của thùng chứa gắn trên xe mô tô, xe gắn máy bảo đảm tuân thủ theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ;
Các thiết bị, dụng cụ, vật liệu trang bị cho các phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại khi đang hoạt động phải đáp ứng yêu cầu tại khoản 4 Điều 37 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.
d) Xử lý
Chất thải nguy hại phải được xử lý bằng công nghệ phù hợp và đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
Cơ sở phát sinh chất thải nguy hại được tự xử lý chất thải nguy hại trong khuôn viên cơ sở khi đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 70 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP;
Cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 84 Luật Bảo vệ môi trường;
Cơ sở y tế có công trình xử lý chất thải y tế nguy hại đặt trong khuôn viên để thực hiện việc tự xử lý và xử lý chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở y tế lân cận (mô hình cụm) theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì không được coi là cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại.
4.3. Quản lý nước thải
- Hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải tách riêng hệ thống thoát nước mưa, trừ các cơ sở, dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng không phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa.
- Thu gom, xử lý nước thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ:
Đối với nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong đô thị: Phải được thu gom, xử lý sơ bộ trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị; nước thải sau khi xử lý sơ bộ phải đáp ứng quy định của khu đô thị, khu dân cư tập trung hoặc quy định của chính quyền địa phương. Trường hợp khu đô thị chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì nước thải phải được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận;
Đối với nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp: Phải được thu gom và xử lý sơ bộ trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải công nghiệp theo yêu cầu của chủ đầu tư xây dựng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp bảo đảm nước thải phải được xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
Đối với nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm ngoài khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp không kết nối được vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải: Phải được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận.
- Thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt:
Đối với nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình trong khu dân cư tập trung: Phải được thu gom, đấu nối với hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu dân cư;
Đối với nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình tại khu dân cư không tập trung: Phải được thu gom, xử lý tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận.
- Nước thải có thể được chuyển giao để xử lý hoặc tái sử dụng nếu đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật.
- Bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải phải được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn; bùn thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.
4.4. Phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt
a) Phân loại: Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý theo các nhóm như sau:
- Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế:
Giấy thải: Hộp, túi, lọ, ly, cốc bằng giấy; sách, truyện, vở, báo cũ, giấy viết; thùng, bìa carton; lõi giấy vệ sinh, giấy bọc gói, bì thư, biên lai, khay đựng trứng bằng giấy; các loại bao bì giấy khác không nhiễm bẩn;
Nhựa thải: Bao bì nhựa đựng thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, sản phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế (không bao gồm bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, axit, dầu mỡ công nghiệp, chất tẩy rửa có thành phần nguy hại); các loại ghế nhựa, thau, chậu nhựa; ly nhựa;
Kim loại thải: Bao bì nhôm, sắt hoặc kim loại khác đựng thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, sản phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế (không bao gồm bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, dầu mỡ công nghiệp, chất tẩy rửa có thành phần nguy hại); đồ dùng nhà bếp bằng kim loại: xoong, nồi, niêu, ấm nước, bếp gas, chén, đĩa, muỗng, dĩa; các loại vật dụng kim loại thải khác;
Thủy tinh thải: Chai, lọ thuỷ tinh đựng bia, rượu, thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, sản phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế (còn nguyện vẹn và không bao gồm bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, axit, dầu mỡ công nghiệp, chất tẩy rửa có thành phần nguy hại); bình hoa, đồ trang trí bằng thủy tinh, pha lê (còn nguyện vẹn);
Vải, đồ da: Quần áo, phụ kiện; giày, dép, vali; chăn, màn, rèm cửa bằng vải (không dính thuốc bảo vệ thực vật, axit, dầu mỡ công nghiệp, chất tẩy rửa có thành phần nguy hại);
Đồ gỗ: Đồ chơi; vật trang trí, đồ gia dụng, hộp, khay bằng gỗ;
Cao su: Đồ chơi bằng cao su; săm, lốp, vật dụng bằng cao su các loại;
Thiết bị điện, điện tử thải bỏ: Các thiết bị điện, điện tử nhỏ như máy ảnh và máy ghi hình; điện thoại di động và điện thoại để bàn; dây cáp và phụ kiện máy tính; bảng điều khiển trò chơi; đồ chơi điện tử; máy tính toán cầm tay; bàn phím; máy tính xách tay và máy tính bảng; máy nhắn tin; bộ đàm, đèn led, đèn halogen; các thiết bị điện, điện tử lớn như máy tính để bàn và màn hình; máy fax; máy in và máy quét; dàn âm thanh và loa; tivi; máy đánh chữ; đầu đĩa VCR/DVD, tấm quang năng; tủ lạnh, tủ đông, máy điều hòa, máy rửa chén, máy giặt, quạt điện, quạt sưởi, bếp điện, bếp từ, lò nướng, nồi cơm điện.
- Chất thải thực phẩm: Thức ăn thừa; thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn; các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm; thủy, hải sản.
- Chất thải rắn sinh hoạt khác:
Chất thải nguy hại: Bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, axit thải, dung môi thải, kiềm thải, dầu mỡ công nghiệp, chất tẩy rửa có thành phần nguy hại, bình gas mini từ hoạt động sinh hoạt; sơn, mực, chất kết dính (loại có các thành phần nguy hại trong nguyên liệu sản xuất); găng tay, giẻ lau dính dầu, hóa chất; kim tiêm, khẩu trang, bông băng bị nhiễm khuẩn từ người bệnh. Các loại bóng đèn huỳnh quang thải; thủy tinh hoạt tính thải; nhiệt kế chứa thuỷ ngân thải, các loại pin, ắc quy thải;
Chất thải rắn cồng kềnh: Tủ, bàn ghế, sofa, giường, nệm cũ hỏng; tủ sắt, khung cửa, cánh cửa; cành cây, gốc cây;
Chất thải khác còn lại: Vỏ các loại hạt như macca, óc chó, hạt điều, dừa, vỏ trứng, xơ dừa, rơm, trấu từ hoạt động sinh hoạt; chiếu cói, chiếu tre, trúc; gối mây, tre; lông gia súc, gia cầm; bã các loại: cà phê, trà (túi trà), bã mía, xác mía, cùi bắp; chất thải từ làm vườn từ hộ gia đình như: lá, rễ, cành cây nhỏ, cỏ, hoa. Phân động vật cảnh; xác động vật cảnh chết không do dịch bệnh; tã, bỉm, băng, giấy vệ sinh, giấy ăn đã sử dụng; giấy ướt đã sử dụng; bông tẩy trang, khẩu trang; các loại hộp xốp; các loại sản phẩm nhựa sử dụng một lần; bã kẹo cao su, đầu lọc thuốc lá; bóng bay, băng keo dán, tăm bông tai, tăm chỉ kẽ răng; vỏ thuốc. Giày, dép nhựa, thước kẻ, vá, muỗng bằng nhựa; bút, bật lửa đã hết gas, bàn chải đánh răng, vỏ tuýp, hộp kem đánh răng; các loại nhựa thải khác; vỏ cứng các loài thuỷ, hải sản; xỉ than từ hoạt động sinh hoạt; gốm, sành, sứ thải; các loại chất thải còn lại.
- Kỹ thuật phân loại: Theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023.
b) Lưu giữ:
- Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế: Hộ gia đình, cá nhân tự phân loại và lưu giữ riêng trong bao bì, dụng cụ lưu giữ thông thường phù hợp theo điều kiện của mỗi gia đình;
- Chất thải thực phẩm: Hộ gia đình, cá nhân tự phân loại và lưu giữ riêng trong bao bì màu xanh lá cây đảm bảo không rò rỉ và phát tán mùi hôi;
- Chất thải nguy hại: Hộ gia đình, cá nhân lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại tại nhà, bảo đảm được đựng, chứa trong vật đựng, túi, bao bì để an toàn, tránh phát tán chất thải nguy hại ra ngoài môi trường; thu, xếp gọn các vật sắc nhọn (như kim tiêm) để tránh gây thương tích trong quá trình phân loại, thu gom và xử lý;
- Chất thải rắn cồng kềnh: Hộ gia đình, cá nhân lưu giữ tạm thời chất thải rắn cồng kềnh tại hộ gia đình, không được tập kết ra vỉa hè, lòng đường và khu vực công cộng. Nghiêm cấm tự ý đổ thải chất thải rắn cồng kềnh không đúng nơi quy định;
- Chất thải khác còn lại: Hộ gia đình, cá nhân tự phân loại và lưu giữ trong các bao bì màu vàng trong thời gian chờ chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom theo quy định.
- Chất liệu sử dụng làm bao bì đựng chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo nhìn thấy loại chất thải đựng bên trong.
- Khuyến khích khu vực nông thôn áp dụng việc phân loại, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.
- Yêu cầu kỹ thuật đối với bao bì đựng chất thải sinh hoạt thực hiện theo quy định khoản 2 Điều 30 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.
c) Chuyển giao: Hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại theo quy định tại Điều 12 Quy định này để chuyển giao theo quy định tại khoản 3 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cụ thể:
- Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
- Chất thải thực phẩm phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi;
- Chất thải nguy hại: Hộ gia đình, cá nhân sau khi phân loại chất thải nguy hại theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 12 Quy định này được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển theo quy định hoặc tự mang đến các điểm tập kết chất thải nguy hại gần nhất do Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện bố trí;
- Chất thải rắn cồng kềnh: Hộ gia đình, cá nhân tự vận chuyển hoặc thoả thuận với chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt để yêu cầu dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh đến nơi tiếp nhận do Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định. Chất thải rắn cồng kềnh có thể được tháo dỡ và giảm kích thước trước hoặc sau khi chuyển đến nơi tiếp nhận và được xử lý như chất thải rắn sinh hoạt. Chi phí tháo dỡ và giảm kích thước chất thải rắn cồng kềnh theo giá tự thoả thuận với cơ sở cung ứng dịch vụ;
- Chất thải khác còn lại: Hộ gia đình, cá nhân chuyển giao chất thải rắn còn lại cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo thời gian quy định.
- Thời gian, phương thức chuyển giao:
Thời gian chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo kết nối hiệu quả giữa công tác thu gom tại nguồn với công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh, mỹ quan đô thị;
Phương thức chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt: Hộ gia đình, cá nhân có thể chuyển giao trực tiếp hoặc để sẵn các thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt đúng màu sắc quy định trước nhà chờ cơ sở thu gom, vận chuyển đến lấy trong khoảng thời gian quy định (khuyến khích thực hiện phương thức chuyển giao trực tiếp).
- Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt thực hiện chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Trên đây là Thông cáo chí văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành, Sở Tư pháp xin thông báo./.