Hơn nữa Hòa giải không chỉ đơn thuần là một hoạt động hỗ trợ giúp cho việc giảm tải khối lượng giải quyết tranh chấp tại Toà án nhân dân mà còn góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho các bên liên quan và nhà nước; hạn chế được tình trạng các tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp gây bức xúc trong Nhân dân.

Các hòa giải viên xác minh vụ việc hòa giải cơ sở

Bộ Luật Tố tụng dân sự được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, quy định về điều kiện, phương thức để công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án tại các Điều 416 và Điều 417 và 418 và ngày 05/5/2017 Bộ Trưởng Bộ tư pháp có Công văn Số 1503/BTP-PBGDPL về việc hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở. Đây là một trong những quy định rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Bởi lẽ, theo Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 tại Điều 25, thực hiện thỏa thuận hòa giải thành quy định:1. Các bên có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận hòa giải thành; 2. Trong quá trình thực hiện thỏa thuận hòa giải thành, nếu một bên vì sự kiện bất khả kháng không thể thực hiện được thì có trách nhiệm trao đổi, thỏa thuận với bên kia và thông báo cho hòa giải viên” và Điều 26. Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành quy định:Hòa giải viên có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành do mình trực tiếp giải quyết; kịp thời thông báo cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo Trưởng ban công tác Mặt trận những vấn đề phát sinh trong quá trình theo dõi, đôn đốc thực hiện”.

Như vậy không có chế tài nào bắt buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ cho bên kia. Do vậy dù có hòa giải thành đi chăn nữa nhưng một trong các bên không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thì chẳn khác nào là hòa giải không thành và cuối cùng họ cũng phải khởi kiện tại Tòa án thì mới được pháp luật bảo vệ khi thi hành án dân sự.

Nhưng trong quá trình thực hiện thì gặp phải những bất cập cần phải có hướng dẫn đó là:

Thứ nhất: Theo quy định tại Điều 418 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Người yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án phải gửi đơn đến Tòa án trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành.

Đơn yêu cầu được quy định tại  Điều 362 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp”.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu thì phải ra quyết định mở phiên họp xét đơn yêu cầu để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án hoặc quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 7, Khoản 8 Điều 419 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì:

“7. Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được gửi cho người tham gia thỏa thuận hòa giải, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và Viện kiểm sát cùng cấp”.

8. Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm”.

Như vậy, theo quy định trên thì sau khi ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, Quyết định này sẽ được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp nhưng thời hạn gửi, thẩm quyền của Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp như thế nào nếu quyết định có vi phạm luật chưa được đề cập;

Thứ hai: Mặc dù, tại Khoản 5 Điều 419 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định: “… Quyết định của Tòa án phải có các nội dung quy định tại Điều 370 của Bộ luật này” nhưng đây chỉ là quy định về nội dung của quyết định theo Khoản 1 Điều 370, còn đối với các khoản khác của Điều 370 trong đó có đề cập đến thời hạn gửi Quyết định giải quyết việc dân sự cho Viện kiểm sát cùng cấp là 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định có được áp dụng luôn trong trường hợp này hay không? Và thẩm quyền của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp trong việc kiểm sát các Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án có hay không? Cụ thể như thế nào pháp luật cũng chưa được đề cập cụ thể, gây khó khăn cho công tác kiểm sát đối với thủ tục này.

Mặt khác, nếu áp dụng quy định dành cho quyết định giải quyết việc dân sự (Hội đồng giải quyết việc dân sự gồm Thẩm phán, Thư ký, Kiểm sát viên và những người tham gia phiên họp) thì lại không phù hợp với mục đích ban đầu của việc thí điểm áp dụng thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án là giải quyết nhanh, gọn các tranh chấp của Nhân dân mà không theo con đường tố tụng.

Chính vì vậy, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần phải sớm ban hành và hướng dẫn cụ thể bằng một thủ tục riêng dành cho Thẩm phán cũng như Viện kiểm sát thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình đối với thủ tục  “công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án”  nhằm rút ngắn thời gian giải quyết mà vẫn không vi phạm pháp luật, góp phần lớn trong việc giải quyết nhanh các tranh chấp trong nội bộ người dân, mang lại lợi ích thiết thực cho nhà nước và Nhân dân./.

Lê Đồng