(Ảnh minh hoạ, nguồn wwwbaochinhphu.vn)

Theo đó, để triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước được giao tại khoản 1 Điều 80 Luật Tài nguyên nước và các nhiệm vụ cụ thể sau đây: 

- Chỉ đạo việc cung cấp, cập nhật thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước thuộc phạm vi quản lý vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia (căn cứ khoản 7 Điều 7 Luật Tài nguyên nước); xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý và tổng hợp, cập nhật kết quả vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia (căn cứ khoản 4 Điều 10 Luật Tài nguyên nước); 

- Tổ chức rà soát chức năng nguồn nước trong quy hoạch tỉnh; xác định, công bố chức năng đối với nguồn nước mặt nội tỉnh trong trường hợp chưa có quy hoạch hoặc quy hoạch chưa thể hiện chức năng nguồn nước (căn cứ khoản 5 Điều 22 Luật Tài nguyên nước); 

- Tổ chức lập, công bố, điều chỉnh danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước; phê duyệt, điều chỉnh phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước, kế hoạch, phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước (căn cứ khoản 3 Điều 23 Luật Tài nguyên nước); giao mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước cho Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã để quản lý, bảo vệ (căn cứ điểm d khoản 6 Điều 23 Luật Tài nguyên nước); 

- Chủ trì xác định, điều chỉnh vị trí, giá trị dòng chảy tối thiểu trên sông, suối nội tỉnh; công bố dòng chảy tối thiểu trên các sông, suối nội tỉnh; phê duyệt, công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu đập, hồ chứa xây dựng trên các sông, suối quy định tại điểm b khoản 1 Điều 24 Luật Tài nguyên nước thuộc thẩm quyền đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước (căn cứ khoản 7 Điều 24 Luật Tài nguyên nước); 

- Kiểm soát các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt; xác định và tổ chức việc công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; tổ chức quan trắc, công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cảnh báo hiện tượng bất thường về chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện các biện pháp theo dõi, giám sát, bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại địa phương (căn cứ khoản 2 Điều 26 Luật Tài nguyên nước); 

- Xem xét, quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với các moong khai thác khoáng sản, đất, vật liệu xây dựng sau khi dừng khai thác tạo thành hồ để điều hòa, tích trữ nước, cấp nước, tạo cảnh quan khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định của Luật Tài nguyên nước, pháp luật về đầu tư, đất đai, bảo vệ môi trường, khoáng sản và cập nhật, bổ sung vào danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh và danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp (căn cứ khoản 5 Điều 27 Luật Tài nguyên nước); 

- Tổ chức thực hiện việc khoanh định, công bố, điều chỉnh danh mục vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; quyết định đưa ra khỏi danh mục vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất khi nguồn nước dưới đất đã phục hồi (căn cứ khoản 4 Điều 31 Luật Tài nguyên nước); 

- Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ nước dưới đất. Kế hoạch phải ban hành trong thời hạn không quá 03 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành (căn cứ khoản 7 Điều 31 Luật Tài nguyên nước); 

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với kịch bản nguồn nước (căn cứ khoản 6 Điều 35 Luật Tài nguyên nước); 

- Khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức thực hiện các biện pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sử dụng các nguồn nước mặt, nước dưới đất và các công trình cấp nước dự phòng hiện có trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý để chủ động ứng phó với tình trạng thiếu nước bảo đảm nước cấp cho sinh hoạt và các nhu cầu sử dụng nước thiết yếu khác; chỉ đạo huy động mọi nguồn lực để thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng thiếu nước trên địa bàn (căn cứ khoản 2 Điều 36 Luật Tài nguyên nước); 

- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xem xét, phê duyệt quy trình hoặc điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa theo thời gian thực theo đề nghị của tổ chức quản lý, vận hành đập, hồ chứa (căn cứ điểm b khoản 8 Điều 38 Luật Tài nguyên nước); lập danh mục các đập, hồ chứa trên sông, suối thuộc địa bàn quản lý phải xây dựng quy chế phối hợp vận hành; tổ chức xây dựng quy chế phối hợp vận hành giữa các đập, hồ chứa trên sông, suối (căn cứ khoản 9 Điều 38 Luật Tài nguyên nước); 

- Tổ chức thực hiện biện pháp khẩn cấp để bảo đảm nước sinh hoạt trong trường hợp hạn hán, thiếu nước hoặc sự cố ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng gây ra thiếu nước (căn cứ khoản 4 Điều 43 Luật Tài nguyên nước); 

- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm: rà soát, điều chỉnh các quy trình vận hành hồ chứa, công trình, hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu, chống thất thoát, lãng phí nước và bảo đảm lưu thông của dòng chảy trong hệ thống công trình, không gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước; chỉ đạo tổ chức việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn nước, kịch bản nguồn nước, phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước quy định tại Điều 35 và Điều 36 của Luật Tài nguyên nước; áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm, hiệu quả (căn cứ khoản 2 Điều 44 Luật Tài nguyên nước); 

Tổ chức xây dựng, vận hành mạng quan trắc tài nguyên nước đối với các nguồn nước nội tỉnh (căn cứ điểm b khoản 1 Điều 51 Luật Tài nguyên nước); giám sát hoạt động khai thác tài nguyên nước đối với các công trình thuộc thẩm quyền cấp phép (căn cứ điểm c khoản 2 Điều 51 Luật Tài nguyên nước); 

Có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước đối với các dự án tại các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước và xác định các ưu đãi mà dự án đó được hưởng theo quy định của pháp luật (căn cứ khoản 4 Điều 59 Luật Tài nguyên nước);

- Lập, công bố, điều chỉnh danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp đối với hồ, ao, đầm, phá thuộc nguồn nước mặt nội tỉnh (căn cứ khoản 6 Điều 63 Luật Tài nguyên nước); 

- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, căn cứ kịch bản nguồn nước, phương án điều hoà, phân phối tài nguyên nước quy định tại khoản 4, khoản 7 Điều 35 và khoản 1 Điều 36 của Luật Tài nguyên nước, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống xâm nhập mặn (căn cứ khoản 6 Điều 64 Luật Tài nguyên nước); 

- Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân quản lý vận hành công trình thủy lợi đã xây dựng và khai thác trước ngày 01 tháng 01 năm 2013 thuộc phạm vi quản lý mà chưa được đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải hoàn thành thủ tục đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước chậm nhất là ngày 30 tháng 6 năm 2027 (căn cứ khoản 6 Điều 86 Luật Tài nguyên nước); 

- Thực hiện các nhiệm vụ khác được giao trong Luật. 

Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 được Quốc hội Khóa XV, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024./.

Trung Đông