Theo Công văn số 3465/BYT-TT-KT, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các ban ngành liên quan khẩn trương triển khai công tác truyền thông về tiêm vắc xin phòng COVID-19, cụ thể như sau:

1. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, lồng ghép truyền thông vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

2. Thống nhất quan điểm truyền thông “Tiêm vắc xin phòng COVID-19 là tiêm vắc xin phòng chống dịch COVID-19”, để vận động người dân chủ động tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, đúng lịch.

3. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phân công nhiệm vụ, huy động sự tham gia của tất cả các sở ban ngành, đoàn thể thực hiện công tác truyền thông vận động người dân từ 12 tuổi trở lên đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3, người dân thuộc đối tượng có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế đi tiêm mũi 4 và đưa trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo khuyến cáo của ngành y tế.

4. Tăng cường công tác truyền thông vận động người dân tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19, cụ thể như sau:

Nội dung truyền thông:

– Thời gian qua, tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát nhưng còn diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, xuất hiện biến chủng mới, vắc xin giảm khả năng miễn dịch theo thời gian. Vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống dịch COVID-19. Vì vậy cần tiếp tục tiêm vắc xin các mũi 3, mũi 4 (mũi nhắc lại) và tiêm vắc xin cho trẻ em theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

– Truyền thông về hướng dẫn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19: tiêm nhắc lại mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm mũi 4 cho người có nguy cơ cao và tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 3309/BYT-DP ngày 23/6/2022 về hướng dẫn tiêm vắc xin phòng COVID-19.

– Truyền thông về hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19 trong phòng, chống dịch: giảm tỷ lệ mắc COVID-19 phải nhập viện, giảm tỷ lệ mắc COVID19 diễn biến nặng, giảm tử vong do COVID-19.

– Các tài liệu truyền thông về vắc xin phòng COVID-19 đã được Bộ Y tế biên soạn, xây dựng và cập nhật thường xuyên trên Kho dữ liệu điện tử truyền thông COVID-19.

Căn cứ nội dung, thông điệp, tài liệu truyền thông của Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố lựa chọn nội dung, xây dựng các thông điệp phù hợp tình hình địa phương.

Hình thức truyền thông: Căn cứ tình hình địa phương để đa dạng hóa các hình thức truyền thông phù hợp để triển khai mạnh mẽ công tác truyền thông về tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên địa bàn.

– Tăng cường truyền thông sâu rộng trên các phương tiện truyền thông của địa phương thông qua các bài viết, tin, ảnh, phóng sự, chương trình truyền hình, phát thanh, tọa đàm, giao lưu trực tuyến trên báo điện tử, trả lời của chuyên gia…; tiếp sóng, phát lại các tọa đàm, phóng sự, giao lưu chuyên gia do Trung ương tổ chức.

– Tăng cường truyền thông trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube, TikTok,…), sử dụng các trang mạng xã hội của địa phương để truyền thông sâu rộng đến các nhóm đối tượng; truyền thông qua tin nhắn SMS trên điện thoại di động để vận động người dân tham gia tiêm chủng an toàn.

– Đẩy mạnh truyền thông vận động người dân biết, hiểu và thực hiện tiêm vắc xin COVID-19 để phòng chống dịch; chú trọng sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội trong tổ chức các chiến dịch truyền thông, các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng đến các nhóm đối tượng đích./.

Tải infographic truyền thông tại link: https://1drv.ms/u/s!Amm0pPafka61hM5tPwosAbYT12agZw?e=aXTNRG

Tài liệu truyền thông về vắc xin phòng COVID-19 tại link: https://1drv.ms/u/s!Amm0pPafka615U3FFFQKtq3itPOV?e=wb8xvG

Hứa Nguyên