(Ảnh minh họa - nguồn camau.gov.vn)

1. Trách nhiệm của cơ sở nuôi ong: Thực hiện quy trình nuôi ong bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm; Chỉ được khai thác mật ong sử dụng để làm thực phẩm khi tuân thủ đúng thời gian ngừng sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất thuốc; Lập sổ nhật ký nuôi ong theo dõi, ghi chép tình hình dịch bệnh ong; sử dụng thuốc phòng, trị bệnh cho ong, sử dụng thức ăn trong nuôi ong; tình hình khai khác và cung cấp mật ong cho các cơ sở thu mua, cơ sở chế biến mật ong theo quy định. Tuân thủ việc kiểm tra, giám sát theo quy định của Thông tư này và hướng dẫn của các Cơ quan kiểm tra, giám sát trong việc bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với mật ong. Cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ, tài liệu có liên quan trong quá trình nuôi ong và khai thác mật ong theo yêu cầu của Cơ quan kiểm tra, giám sát; Chấp hành nghiêm túc quyết định xử lý vi phạm của Cơ quan có thẩm quyền và phải chịu toàn bộ chi phí cho việc truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu và thử nghiệm mẫu giám sát tăng cường khi có mẫu mật ong không bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

2. Trách nhiệm của Cơ sở thu mua mật ong: Tổ chức thực hiện đầy đủ và duy trì thường xuyên điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình thu mua và buôn bán mật ong thô; Lập danh sách các cơ sở nuôi ong cung cấp mật ong thô theo quy định; Thực hiện lưu giữ đầy đủ hồ sơ về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; hồ sơ buôn bán mật ong thô, thời gian lưu giữ tối thiểu là 03 năm; Tuân thủ việc kiểm tra, giám sát theo quy định tại Thông tư này và hướng dẫn của các Cơ quan kiểm tra, giám sát trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với đối với thu mua mật ong; Chấp hành nghiêm túc quyết định xử lý vi phạm của Cơ quan có thẩm quyền; chịu toàn bộ chi phí cho việc truy xuất nguồn gốc, thu hồi, xử lý, lấy mẫu và thử nghiệm mẫu giám sát tăng cường khi khi có mẫu mật ong không bảo đảm an toàn thực phẩm.

3. Trách nhiệm của Cơ sở chế biến mật ong: Tổ chức thực hiện đầy đủ và duy trì thường xuyên điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn đã được chứng nhận trong chế biến mật ong; Thiết lập, duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc, lưu giữ thông tin phục vụ truy xuất nguồn gốc và thiết lập thủ tục thu hồi mật ong không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định;Lập danh sách các cơ sở nuôi ong, cơ sở thu mua mật ong cung cấp mật ong thô theo quy định; Phổ biến, hướng dẫn thực hiện quy trình nuôi ong, khai thác và thu mua mật ong bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, nâng cao kiến thức cho người nuôi ong về phòng chống dịch bệnh và sử dụng thuốc thú y trong nuôi ong cho các cơ sở nuôi ong, cơ sở thu mua trong nội bộ hệ thống của cơ sở; Thực hiện lưu giữ đầy đủ hồ sơ về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; thời gian lưu giữ tối thiểu là 03 năm; Tuân thủ việc kiểm tra, giám sát theo quy định tại Thông tư này và hướng dẫn của các Cơ quan kiểm tra, giám sát trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với mật ong. Cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ, tài liệu có liên quan trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của Cơ quan kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm về những thông tin, tài liệu đã cung cấp; Chấp hành nghiêm túc quyết định xử lý vi phạm của Cơ quan có thẩm quyền; chịu toàn bộ chi phí cho việc truy xuất nguồn gốc, thu hồi, xử lý, lấy mẫu và phân tích mẫu giám sát tăng cường khi có mẫu mật ong không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2022 và thay thế Thông tư số 08/2015/TT-BNN ngày 02/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về việc kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh mật ong xuất khẩu./.

 

Hứa Nguyên