Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm khởi sắc nhiều vùng quê ở Cà Mau. Ảnh: Bích Lil

Xác định công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ và Nhân dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành, góp phần hoàn thiện tiêu chí Tiếp cận pháp luật (18.5) trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Ngay từ đầu năm, Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), Hòa giải ở cơ sở (HGƠCS), xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp ban hành các Kế hoạch thực hiện và chỉ đạo phòng chuyên môn bám sát nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn (cấp xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân tạo cơ sở pháp lý cho việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đa dạng hóa nội dung và hình thức tuyên truyền là đòi hỏi và mục tiêu mà Sở Tư pháp Cà Mau luôn đặt ra và hướng đến. Trong tuyên truyền, PBGDPL hướng về cơ sở; thông qua nhiều hình thức, trực tiếp, gián tiếp qua văn bản, tài liệu, tờ gấp tuyên truyền, qua hình ảnh trực quan… Cụ thể, trong năm 2021 đã biên soạn và phát hành 252.000 tờ gấp pháp luật các loại để tuyên truyền đến tận người dân ở cơ sở; đăng tải kịp thời các văn bản, quy định của nhà nước của tỉnh trên Trang Thông tin PBGDPL tỉnh; phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau thực hiện phát sóng một kỳ chuyên đề pháp luật chủ đề “Ngành Tư pháp Cà Mau chung tay xây dựng nông thôn mới”; đăng tải 18 tin, bài tuyên truyền về chuẩn tiếp cận pháp luật, nông thôn mới đăng trên trên Trang thông tin phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Cà Mau. Ngoài ra, nhân Ngày pháp luật Việt Nam 09/11, Sở Tư pháp thực hiện đầu tư xây dựng 02 cụm pano tuyên truyền xây dựng nông thôn mới tại xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn và xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi.

Bên cạnh đó, thực hiện PBGDPL qua công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ cũng được quan tâm thực hiện. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác HGƠCS, từ đầu năm tới nay Sở Tư pháp chủ trì phối hợp tổ chức 04 lớp tập huấn kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho 120 hòa giải viên tại 02 xã Biển Bạch Đông - huyện Thới Bình, xã Tạ An Khương Đông - huyện Đầm Dơi. Qua đó, nhằm nâng cao công tác HGOCS, xây dựng tình làng, nghĩa xóm - là nét đẹp của nông thôn Việt Nam, là nhân tố không thể thiếu trong nếp sống văn hóa mới của một xã nông thôn mới. Công tác HGOCS đạt kết quả tốt, gốp phần phòng ngừa và giải quyết thấu tình đạt lý, dứt điểm ngay từ đầu các mọi mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, sẽ giúp cho tình hình an ninh trật tự địa phương được ổn định, hạn chế tối đa các vụ khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, gây ảnh hưởng sự đoàn kết xóm làng.

 Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc hỗ trợ huyện Thới Bình đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021,  Giám đốc Sở Tư pháp phối hợp với Chủ tịch UBND huyện Thới Bình trong việc đánh giá cấp xã đạt Chuẩn tiếp cận pháp luật. Đến nay, huyện Thới Bình có 10/12 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, còn lại thị trấn Thới Bình và xã Tân Lộc chưa được công nhận. Để đảm bảo điều kiện và tiến độ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021, Sở Tư pháp đã đề nghị UBND huyện Thới Bình cần tập trung một số giải pháp như: Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện tốt các tiêu chí làm căn cứ đánh giá, chấm điểm và công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được quy định tại Quyết định 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 07/2017/TT-BTP ngày 28/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp… Việc thực hiện quy trình đánh giá, công nhận xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải đảm bảo tính khách quan, đầy đủ, sát thực tế...

Về thực hiện nhiệm vụ xác nhận chỉ tiêu, tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới để làm căn cứ pháp lý đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, theo đề nghị của Văn phòng Thường trực tỉnh, từ đầu năm tới nay, Sở Tư pháp đã xác nhận đối với 05 đơn vị gồm: xã Khánh Bình Tây Bắc, xã Khánh Bình Đông - huyện Trần Văn Thời; xã Tân Phú, xã Biển Bạch - huyện Thới Bình và xã Rạch Chèo - huyện Phú Tân. Ngoài ra, Sở Tư pháp còn hiệp y, thống nhất về kết quả thực hiện duy trì, giữ vững 19 tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới đối với xã Tắc Vân và xã Lý Văn Lâm theo đề nghị của Chủ tịch UBND thành phố Cà Mau.

Từ việc đẩy mạnh PBGDPL của ngành Tư pháp tỉnh Cà Mau đã có những tác động tích cực đến nhận thức, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật góp phần giữ vững tiêu chí “Tiếp cận pháp luật” trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, việc tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng về đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật đã giúp cán bộ, công chức cấp xã thuận lợi hơn trong việc đánh giá, chấm điểm. Từ đó, kết quả công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phản ánh đúng thực tế, đảm bảo chặt chẽ, khách quan theo quy định. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để Văn phòng Thường trực hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Được biết đến nay, tỉnh Cà Mau đã có 43/82 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 52,4%./.

Phú Toàn